Các trại heo Đồng Nai đang ‘giết’ môi trường

Đồng Nai được xem là một trong các địa phương phát triển mạnh nghề nuôi heo. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải từ các trại heo không được quản lý chặt làm môi trường ô nhiễm, người dân lãnh đủ…

Suối “chết” vì phân heo

Không khó bắt gặp các con suối vốn trong xanh bị chuyển màu đen kịt, mùi hôi nồng nặc hành hạ người dân xung quanh ở địa bàn huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Trảng Bom…

Ở huyện Thống Nhất, con suối Reo chảy qua địa bàn năm xã đang ngày đêm “gồng mình” tải chất thải từ các trại chăn nuôi heo trước khi đổ vào hồ Trị An.

Suối Reo vốn nhiều cá, nước trong vắt được người dân trong vùng lấy nước về sinh hoạt. Thỉnh thoảng con suối cũng tiếp nhiều du khách ở các địa phương. Tuy nhiên, con suối giờ đang thành suối “chết”: Dòng nước xanh ngắt giờ nổi đầy váng và phân heo kèm mùi hôi tởm lợm.

Theo quan sát của chúng tôi, cạnh suối có nhiều trang trại chăn nuôi heo và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống suối. Đoạn sát hồ Trị An nước nổi bọt trắng và phân heo xếp lớp, bốc mùi.

Ông Nguyễn Văn Tú (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) nói: “Trước đây suối trong vắt, giờ nước đục, hôi vì toàn phân heo. Tôi cứ nghĩ con suối thành nơi du lịch, ai ngờ giờ thành nơi không ai dám đến”.

Còn bà Mai Thị Lựu (xã Gia Tân 1) cho hay: Phân heo từ suối Reo ồ ạt xả xuống hồ Trị An khiến nhiều người ái ngại.

Nước giếng trong khu vực xanh đen, bốc mùi tanh do ô nhiễm. Ảnh: T.DŨNG

Người dân ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cũng bức xúc bởi nước thải từ các trang trại heo đóng trên địa bàn tràn ra ngoài, chảy về suối Cây Hảo, suối Bàu Bà Thống, suối Mủ gây ô nhiễm nặng nề. “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền xử lý các trại chăn nuôi gây ô nhiễm nhưng chưa được giải quyết” - ông Nguyễn Đức Lê, một người dân ở ấp Hưng Thạnh nói.

Tương tự, suối Sông Lạnh chảy qua địa bàn huyện Trảng Bom cũng đang “chết dần chết mòn” vì các trang trại chăn nuôi heo. Tại xã Sông Trầu, các trang trại cạnh con suối đang bức tử con suối này.

Các chủ trại heo chứa phân trong các hồ lắng, tuy nhiên các hồ lộ thiên này khi gặp mưa lớn sẽ tràn bờ.

Còn ở huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ, suối Thủy lợi, suối Nóng, suối Điệp, suối Lạnh… bị ô nhiễm nặng nề. “Từ cuối năm 2015, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tình trạng ô nhiễm do các trại nuôi heo xả ra. Xã cũng kết hợp với huyện nhiều lần lập biên bản về tình trạng ô nhiễm, song đến nay vẫn chưa xử lý xong” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ huyện Xuân Lộc nói.

Cuộc sống người dân bị đảo lộn

“Quanh năm chúng tôi phải hít thở nguồn không khí hôi thối phát tán ra từ các trang trại chăn nuôi heo. Nguồn nước ngầm sinh hoạt cũng bị nhiễm bẩn, có mùi hôi” - người dân xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) phản ánh.

“Gia đình tôi ở gần trang trại heo. Năm 2013, tôi khoan giếng sâu 90 m để lấy nước sinh hoạt và tưới cây. Lúc đầu nước rất trong và sạch sẽ nhưng khoảng một năm thì bắt đầu bị vẩn đục, không thể sử dụng. Mỗi lần bơm lên nước có màu đen, bốc mùi hôi thối như ở các cống thải. Gia đình tôi có hai giếng cách nhau 20 m đều có chung tình trạng như vậy. Tôi phản ánh chủ trại và họ chấp nhận đền cho gia đình giếng khác. Giếng mới có độ sâu 70 m nhưng khi bơm lên nước vẫn đục, mùi tanh. Hiện gia đình tôi chỉ dùng để tưới cây, còn ăn uống và tắm giặt thì mua nước đóng chai hoặc xin những hộ không bị ảnh hưởng. Biết sống trong môi trường ô nhiễm rồi sẽ sinh bệnh nhưng biết chuyển đi đâu bây giờ” - ông Phạm Văn Hùng, ngụ xã Hưng Lộc nói.

Còn gia đình ông Trịnh Văn Tứ ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết ở khu vực gia đình ông đang sinh sống có hơn chục trang trại heo đang hoạt động. Cứ ba, bốn ngày các trại lại xả nước thải. “Gặp lúc trời mưa nước tràn ra khu dân cư, thối không chịu được. Nước thải ngấm vào giếng khoan làm nước chuyển sang màu xanh đen, bốc mùi hôi thối không thể sử dụng được” - ông nói.

Theo ông Tứ, xã đã vào lấy mẫu nước giếng của gia đình đi xét nghiệm bốn lần nhưng không cho biết kết quả. “Trước đây, giếng nước của gia đình tôi vốn nổi tiếng trong và nước ngon nhất vùng. Nhiều người dân trong vùng chưa có điều kiện khoan giếng đều đến giếng của gia đình tôi lấy nước về dùng. Vậy mà từ khi các trang trại nuôi heo xuất hiện thì giếng nước bị ô nhiễm nặng đành bỏ” - ông Tứ nói.

Các cơ quan chức năng nói gì về tình trạng ô nhiễm? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trên số báo ngày mai.

Các trại heo xả nước thải ra kênh thủy lợi N3 ở huyện Vĩnh Cửu làm nước có màu đen, hôi thối, gây ngứa nếu lỡ bước chân xuống kênh. Nước từ kênh chảy vào các ao cá làm cho cá chết. Kênh thủy lợi N3 sử dụng để tưới và tiêu nước cho các cánh đồng lúa và hoa màu của nhiều xã trong khu vực như Bắc Sơn, Tân An, Thiện Tân…Thế nhưng nhiều năm nay người dân không dám lấy nước từ con kênh này tưới lúa.

Còn ở huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ, dân cũng đang than trời vì khu vực này vốn khan hiếm nước ngầm, người dân phải lấy nước suối để sinh hoạt và tưới cây nhưng hơn một năm nay không thể dùng nguồn nước này vì bị ô nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm