Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ hơn 12.000 tỉ

Chính phủ vừa có báo cáo Hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2016 gửi các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy nợ phải thu khó đòi là 15.914 tỉ đồng. Trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5.863 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (2.018 tỉ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (1.110 tỉ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (1.085 tỉ đồng); Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (969 tỉ đồng); Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (610 tỉ đồng); Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (459 tỉ đồng); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (441 tỉ đồng)…

Đặc biệt, theo báo cáo, số lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty là 12.504 tỉ đồng. Cụ thể, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (5.040 tỉ đồng); Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu Gtel (3.905 tỉ đồng); Tập đoàn Hóa chất (1.348 tỉ đồng); Tổng Công ty Giấy Việt Nam (109 tỉ đồng); Công ty Cà phê Việt Nam (93 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (40 tỉ đồng)…

Chính phủ nhìn nhận hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DN nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra. Cơ chế quản trị DN nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Trách nhiệm của người quản lý DN nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

Việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN nhà nước thực hiện chậm. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp.

Cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nên hiệu quả triển khai quy định về công khai, minh bạch chưa cao.

Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước không cao. Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém, thua lỗ trong DN nhà nước chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm