Các nhà khoa học phản đối việc bố trí hai cửa ra vào phía Hồ Gươm

Bộ VH-TT&DL vừa có văn  bản gửi UBND TP Hà Nội về việc bố trí nhà ga và và các lối ra vào ga ngầm C9, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, TP Hà Nội.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL cho hay đơn vị này đã nhận được công văn của UBND TP Hà Nội đề nghị thống nhất phương án bố trí hai cửa ra vào phía hồ Hoàn Kiếm theo Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9.

Sau khi tiến hành khảo sát hiện trạng khu vực, với sự tham dự và có ý kiến của một số nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (GS-NGND Phan Huy Lê, GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc) và đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội, Sở VH-TT TP Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra quan điểm chính thức.

Cụ thể, thống nhất với việc bố trí nhà ga chính (ga ngầm) và cụm công trình phụ trợ theo phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Đối với các lối lên xuống: Vị trí các lối lên xuống theo phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, Bộ cho hay hiện tại đang nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

“Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của thủ đô Hà Nội, đồng thời đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân nên việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học” - văn bản của Bộ VH-TT&DL nêu rõ.

Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị, để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích. Sau đó, tổ chức buổi làm việc xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch đô thị,... nhằm thống nhất và tạo sự đồng thuận rộng rãi trước khi triển khai các bước tiếp theo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm