Các hãng taxi lại 'đòi' quyền lợi giống Uber và Grab taxi

Ngày 19-11, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo hệ lụy của loại hình taxi Uber, Grab taxi và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững.

 Ông Bùi Danh Liên  (đứng) cho rằng các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh công bằng

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng theo quy định hiện hành, DN kinh doanh taxi phải đăng ký kinh doanh, phù hiệu, logo hãng, đồng hồ tính cước, thiết bị gám sát hành trình... Tuy nhiên Uber và Grab taxi đều không thực hiện theo các quy định này. 

Thời gian qua, hai hãng taxi trên đã khuyến mãi cho lái xe, giảm giá cước cho hành khách nhằm thu hút khách sử dụng dịch vụ. Nhiều hoạt động khác của hai đơn vị này cũng làm xáo trộn thị trường taxi. Đặc biệt, cả Uber và Grab taxi hiện không kinh doanh theo đăng ký (kinh doanh công nghệ), nhưng thực chất đang kinh doanh xe taxi. 

Ông Quân phân tích việc Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT cho Công ty TNHH Grab taxi thí điểm kết nối loại xe khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng bằng thư điện tử (thường theo văn bản giấy) không phải là đồng ý cho hãng này "lấn sân" sang loại hình kinh doanh xe taxi. "Nếu Uber và Grab taxi muốn kinh doanh thì phải theo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô... Không thể để Uber và Grab taxi hoạt động tràn lan, núp danh loại hình kinh doanh xe hợp đồng hợp pháp là đồng nghĩa với tháo khoán khuyến khích cho nhà nhà làm taxi "- ông Quân nhấn mạnh.

Với những phân tích trên, ông Quân kiến nghị Chính phủ nên sửa đổi Nghị định 86 với việc bỏ loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và một số loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác ra khỏi phạm vi điều chỉnh .

Đồng thời, cho phép các DN kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi đang là thành viên của Hiệp hội vận tải Hà Nội được chuyển đổi sang loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Hiệp hội đảm bảo sẽ thực hiện đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh của loại hình này (hợp đồng vận tải bằng thư điện tử như Uber và Grab taxi): "Với số lượng đáng kể phương tiện sẵn có, cùng kinh nghiệm hoạt động kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực này chúng tôi tin tưởng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn, tiết kiệm chi phí giao dịch, áp dụng công nghệ cho ngành vận tải...".

Đồng tình với kiến nghị trên, anh Trần Đức Trí,  đại diện hãng taxi Thanh Nga, thừa nhận hiện nay Uber và Grab taxi đang chiếm lĩnh thị trường với giá 6.000 đồng/km. Với giá này không một hãng taxi truyền thống nào của Việt Nam cạnh tranh nổi. "Ngoài giá thấp, hai hãng này còn "tung" ra một khoản tiền lớn để đãi ngộ các tài xế đang hoạt động với hãng. Như vậy việc các hãng truyền thống taxi hiện nay "chết" là vấn đề thời gian... Việc cạnh tranh để tồn tại là tất yếu, nhưng vấn đề bất cập là Uber và Grab taxi đều không chịu sức ép và ràng buộc khắt khe bởi luật hiện hành, quản lý buông lỏng... như vậy việc kinh doanh của hai hãng này đã không công bằng, trái pháp luật...".

Tôi ủng hộ Uber và Grab taxi
"Tôi thường xuyên đi xe taxi của hai hãng Uber và Grab taxi. Dưới góc độ là hành khách, tôi thấy hai hãng này rất tiện lợi. Cụ thể, ngoài rẻ, nhanh thì tài xế taxi họ rất lịch sự và văn minh. Mỗi lần đi xe của hai hãng Uber và Grab taxi  tôi thấy rất yên tâm..."- anh Nguyễn Hoàng Giang, khu chung cư Đại Thanh, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
                                      -------  
Lo sợ cạnh tranh không công bằng

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng chúng tôi rất ủng hộ Uber và Grab taxi nếu họ hoạt động đúng pháp luật, cạnh tranh công bằng và phục vụ tốt nhu cầu người dân, nhưng nếu kinh doanh như hiện nay là bất hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm