Các đại gia nhắm vào đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” ngày 24-11 là dịp để các chuyên gia nhìn lại quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020. 

TS Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền, lý luận báo Nhân Dân, tại hội thảo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đến nay, kế hoạch CPH đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020 mới chỉ đạt được 28,3% và rất khó có thể hoàn thành. 

“Đất chỉ chuyển từ ông này sang ông khác” 
Sau phát biểu dẫn đề của Phó Tổng KTNN Đào Xuân Tiên, các chuyên gia và đại diện một số cơ quan trình bày các tham luận xoay quanh các nội dung trên.
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đưa ra các số liệu, kế hoạch CPH và khẳng định: Đúng là CPH, thoái vốn không thực hiện được thật. Ngoài giai đoạn đầu phải thiết lập thể chế, chính sách CPH, TS Ánh nói ngay việc xác định quỹ đất trong CPH, tuân thủ quy định về CPH DNNN đã rất khó khăn. “Riêng chỗ xác định giá đất thôi mà cũng loay hoay 20 năm rồi chưa xong. Vậy thì khi phát sinh các quy định khác về đất đai thì xử lý thế nào?” - ông nêu. 
Ông thừa nhận quan điểm “đất không mất đi đâu cả mà chỉ chuyển từ ông này sang ông khác” nhưng ông hỏi: “Ai hưởng lợi từ đất thì lại là một câu chuyện khác”. 
Ông cho là không ít trường hợp CPH chỉ vì đất. “Đây là một thực tế khiến mục tiêu CPH không đạt được... Có thứ trưởng đã phải bỏ trốn chỉ vì một mảnh đất nào đó sau CPH” - ông nói. 
Ông cũng cho là các đại gia bất động sản luôn nhắm vào đất đai của các DNNN vì quỹ đất của các DN này trải dài “khắp cả nước”. Đất này không phải giải phóng mặt bằng, không tốn thời gian và “quan hệ”. Khi các đại gia đã thâu tóm được đất đai ở Hà Nội, TP.HCM thì họ sẽ lan sang các tỉnh lân cận. Mặt khác, tâm lý của các lãnh đạo DNNN thường là không muốn báo cáo đầy đủ vì đó là lợi ích của họ.
“Chỉ có công khai, minh bạch về đất đai, từ trị giá đến vị trí đắc địa, tiến hành kiểm toán chặt chẽ phương án sử dụng đất thì mới có thể chống được thất thoát” - ông Ánh nói.
Còn phải chuyển 38.500 tỉ đồng
Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ CPH nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỉ đồng. Theo đó, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6-2020, đã chuyển 211.500 tỉ đồng từ Quỹ sắp xếp và phát triển DN. Năm 2020 còn phải chuyển 38.500 tỉ đồng từ quỹ này về ngân sách nhà nước. 
 
Dọa sa thải để thu gom cổ phần
Còn TS Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền, lý luận báo Nhân Dân, nói thẳng có ba kẽ hở trong CPH làm thất thoát đất đai. Chẳng hạn, thời kỳ đầu người ta chỉ CPH nội bộ, bán cổ phần cho người lao động, thậm chí là biếu không cổ phần như một cách “đối ngoại”. “Điều này tạo ra thất thoát trực tiếp” - ông Phong nói. 
Trong tham luận, TS Phong chỉ ra: Theo ước tính, hàng ngàn tỉ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác. Tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi CPH. 
“Tiêu biểu là sự việc tháng 4-2018, Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá chỉ 419 tỉ đồng, trong khi mặt bằng giá thị trường gấp nhiều lần con số đó” - TS Phong viết.
Còn tại Hà Nội, TS Phong không ngại liệt kê ra các nơi đã CPH như Kem Tràng Tiền, khách sạn Phú Gia, chợ Đồng Xuân… Ông nói khi CPH đã không có cách “bịt lỗ hổng” dẫn đến việc lãnh đạo DNNN có thể dùng quyền lực, dụ dỗ cổ đông để thu gom cổ phiếu. 
Có những kẽ hở như liên doanh rồi để thua lỗ, lãnh đạo DNNN giấu giếm quỹ đất, CPH không tính đúng, tính đủ giá trị và làm thất thoát. “Hãng phim truyện Việt Nam khi CPH đã không tính cả giá trị vô hình. Nhà đầu tư lý luận hãng phim nợ tiền thuê đất, mất luôn quyền giao đất nên hơn 1.000 m2 chỉ trị giá 0 đồng. Đáng nói là đơn vị ở trên đã duyệt phương án đó. Giá trị 50 năm của Phim truyện Việt Nam cũng chỉ là 0 đồng, nhà đầu tư đâu cần biết giá trị đó” - TS Phong nói. 
Các kẽ hở khác có thể kể đến như: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai phép, không nộp tiền sử dụng đất, trả tiền thuê đất một lần trọn đời dự án nên giá rất rẻ. Thậm chí, có việc ưu tiên áp giá đất sai đối tượng, thậm chí là trái luật để tính giá trị quyền sử dụng đất. 
“Ngay như Ciputra ở Hà Nội áp giá thuê đất rất rẻ. Không ít trường hợp CPH đã hình thành nên “tư nhân ngầm” - ông cho hay. 
Phê duyệt phương án sử dụng đất rất chậm
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN dẫn ra các số liệu về CPH DNNN chậm. Các DN lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, MobiFone, Agribank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN.
Thoái vốn cũng chậm khi lẽ ra năm 2020 phải thoái vốn ở 348 DN thì đến nay mới chỉ thoái vốn được ở 92 DN. 
Trong tham luận của mình, ông Long chỉ ra: “Việc rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN thực hiện CPH gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp. Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu, địa phương phê duyệt, cho ý kiến chậm…”.
Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho hay từ năm 2017, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH giai đoạn 2016-2020 của 16 DN. 
Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất... 
KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447 tỉ đồng; ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với hai công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684 tỉ đồng. 
Cũng trong thời gian này, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 DN. 
“Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án CPH; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác; UBND một số tỉnh, TP chưa có ý kiến hoặc chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất…” - ông Tiên nói. 
Đặc biệt, theo ông Tiên, việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán... còn tồn tại nhiều hạn chế.•

Hàng loạt đại án liên quan cổ phần hóa, thoái vốn

 
• Sau khi lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (công ty liên kết của IPC) bị bắt, Thanh tra TP.HCM chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc CPH tại IPC và các công ty có vốn góp của IPC. Trong đó chỉ rõ: Công tác quản lý, vốn tài sản chính, việc xác định giá bán nền đất, việc thực hiện công tác CPH, góp vốn liên doanh liên kết, việc thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật.

• Trong vụ CPH cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đề nghị cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Sau nhiều thủ tục... thì cảng Quy Nhơn có giá trị hàng ngàn tỉ đồng nhưng được CPH 100% với giá chỉ hơn 400 tỉ đồng. 

• Trong dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Vũ Huy Hoàng (cựu bộ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng (cựu vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương) đã lợi dụng việc sắp xếp nhà, đất của DNNN để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất trên cho DN tư nhân. Hành vi của họ gây thiệt hại cho ngân sách là đặc biệt lớn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm