Các đại biểu lo ngại khó bỏ sổ hộ khẩu từ 1-7-2021

Chiều 16-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Đa số đại biểu (ĐB) tán thành việc bỏ sổ hộ khẩu nhưng lo ngại thời gian thực hiện gấp rút, nhiều quan hệ pháp lý, giao dịch liên quan đến sổ hộ khẩu không theo kịp…

Cái gì mới, khó bao giờ cũng có trục trặc

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký quản lý cư trú như hiện nay đã lạc hậu. “Quản lý dân cư bằng giấy tờ, hồ sơ vừa lãng phí thời gian, giấy tờ của công dân để thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước, vừa mất công thực hiện lưu trữ, bảo quản, tìm kiếm” - ông Đức nói.

Dù ủng hộ thay thế phương thức quản lý dân cư từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử nhưng ông Đức cho rằng cần có lộ trình, giải pháp thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ tự gây khó cho chính Nhà nước và công dân.

Dự thảo luật dự kiến có hiệu lực vào ngày 1-7-2021 và quy định từ thời điểm đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới thì cần phải nghiên cứu, xem xét thêm.

Theo ĐB tỉnh Cao Bằng, sổ hộ khẩu đối với người dân là một giấy tờ quan trọng, thông dụng để xác lập các giao dịch, quan hệ pháp luật cũng như việc xác định quan hệ nhân thân… “Việc hướng tới không công nhận giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy định về giấy tờ công dân trong thủ tục hành chính, tác động đến các chính sách quy định về hộ gia đình” - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, hiện mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. dự kiến đến hết tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại. Ông lo ngại thời gian nửa năm còn lại, với tiến độ như hiện nay thì mục tiêu đặt ra là khó khả thi. Tương tự, thời gian còn lại cũng khó để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mà trong thành phần thủ tục có sử dụng đến hai loại sổ trên.

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc hướng tới bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng lớn đến các quy định về giấy tờ công dân trong thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi làm thủ tục tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận xét phương thức quản lý mới giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Nó còn khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý cư trú, quản lý dân cư khi đang áp dụng các phương thức hiện nay.

Về góc độ kinh tế, ĐB Hồng cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 trường thông tin là tài sản quốc gia, tài sản của Nhà nước.

“Cuộc điều tra dân số năm 2019, nếu chúng ta có được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý cư trú thì chắc chắn chi phí cho cuộc điều tra này sẽ ở mức thấp hơn và độ chính xác sẽ cao hơn” - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, khi bỏ sổ hộ khẩu, những thông tin về hộ khẩu hiện nay được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu về cư trú và sẽ được khai thác sử dụng trong những trường hợp cần thiết. “Việc này không cản trở việc thực hiện các quy định khác trong các lĩnh vực khác như một số ĐB lo lắng” - ông Hồng nói.

ĐB Bình Dương cũng lưu ý “cái gì mới, cái gì khó thì bao giờ thực hiện cũng sẽ có trục trặc, độ vênh nhất định”. Vì vậy, Chính phủ đã xác định quyết tâm thực hiện và thể hiện quyết tâm đó bằng các gói thầu triển khai thực hiện.

Vì vậy, ông Hồng đề nghị nghiên cứu lộ trình triển khai thực hiện để tránh việc khi thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội, hoạt động quản lý cư trú, quản lý và hoạt động một số lĩnh vực khác.

Nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ thì Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để một năm nữa hoàn thành việc cấp căn cước công dân.

Đại biểu TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an 

Cần có quy định cấm cơ quan nhà nước làm khó

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhận xét dự thảo chưa bao quát được trường hợp một công dân có hai chỗ ở tại hai địa phương cấp xã khác nhau. “Tôi biết hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều người có hai địa chỉ ở và thời gian cư trú ở hai nơi như nhau, nửa tháng ở nơi này, nửa tháng ở nơi kia” - ông Bộ nói.

Cũng theo ĐB này, cá biệt có trường hợp đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng thường xuyên cư trú cả năm trời ở một nơi. “Câu chuyện thực hiện trách nhiệm công dân ở cơ sở thì ở nơi đăng ký hộ khẩu họ bảo rằng “tôi thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi tôi đang sống”. Trong khi ở nơi đang sống, họ lại giải thích với ông tổ trưởng dân phố rằng “tôi thực hiện trách nhiệm ở nơi đăng ký hộ khẩu”” - ông Bộ dẫn thực tế.

ĐB Bộ cho rằng có một thủ tục hành chính mà không bị cấm thì nay mai dân rất khổ. Cụ thể, công dân có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận về nơi cư trú nhưng chúng ta không cấm cơ quan nhà nước, các tổ chức không được bắt công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú.

“Nếu nay mai tôi xin cho con tôi đi học, đến trường họ không chấp nhận định danh cá nhân của tôi mà yêu cầu lấy giấy xác nhận nơi cư trú. Lúc đó, thủ tục hành chính sẽ rất khổ cho dân” - ĐB Bộ lo ngại.

ĐB đề xuất nếu có thể được thì đưa vào luật một điều cấm đối với các cơ quan nhà nước, để khỏi xảy ra tình trạng dân sẽ phải chạy theo một thủ tục hành chính đơn lẻ và thường xuyên trong các mối quan hệ.

Sẽ cấp căn cước công dân cho 50 triệu người

Tiếp thu ý kiến các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết hiện bộ này đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân. Còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân, trong đó người dưới 14 tuổi có khoảng 30 triệu. Trước mắt, ít nhất còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân trong vòng một năm nữa. Hiện đã thu thập, đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu về công dân khoảng 80 triệu người và đã kiểm tra độ chính xác thông tin.

“Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 mà chúng ta hoàn thành được cơ bản việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên thì hoàn toàn có thể thực hiện được và tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi sẽ hoàn thành trong thời gian tiếp theo” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Đại tướng Tô Lâm cũng cho hay có 167 văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu. Trong đó, một số văn bản thực hiện theo quy định của sổ hộ khẩu thì mặc nhiên sẽ hết hiệu lực thi hành khi không còn giá trị.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy