Các buồng phạm nhân sẽ có tivi màu để giải trí?

Theo Bộ Công an, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để thay thế, Bộ soạn thảo dự luật Thi hành án hình sự và mới đưa lên website Chính phủ nhằm lấy ý kiến đóng góp.

Dự luật khá đồ sộ, gồm 13 chương và 198 điều, quy định chi tiết việc thi hành án hình sự để vừa tăng cường tính răn đe của pháp luật nhưng cũng vừa đề cao tính nhân văn đối với phạm nhân.

Cấm trốn trại, quậy phá, kích động

Ở nhiều hội thảo, hội nghị, nhiều ý kiến từng nhìn nhận trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (gọi chung là trại giam) thường xảy ra chuyện phạm nhân quậy phá, thậm chí có nạn đại bàng, ma cũ ăn hiếp ma mới gây hậu quả nghiêm trọng.

Do vậy, dự luật đưa vào quy định nghiêm cấm việc phá trại giam, trốn trại, vượt trại; tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; cản trở, chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế trại giam...

Nếu phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác sẽ bị khiển trách và không cho gặp người nhà một lần. Nặng hơn sẽ bị cảnh cáo, không cho gặp người nhà hai lần. Nặng hơn nữa sẽ bị giam tại buồng kỷ luật đến bảy ngày, có thể bị gia hạn đến 15 ngày và không được gặp người nhà ba lần. Tuy nhiên, việc không cho phạm nhân gặp người nhà không áp dụng trong trường hợp phạm nhân chưa thành niên, bị bệnh nặng, thương tích nặng đang điều trị tại cơ sở y tế.

Phạm nhân nào cố ý làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản của trại giam, của người khác cũng bị phạt, gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu phạm nhân có dấu hiệu phạm tội sẽ bị khởi tố, nếu bỏ trốn sẽ bị truy bắt hoặc truy nã, xử lý.

Dự luật còn hướng đến chuyện truy cứu trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thi hành án hình sự có vi phạm. Theo đó, dự luật nghiêm cấm chuyện không ra quyết định thi hành án, không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định; sách nhiễu, nhận hối lộ, tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án. Nghiêm cấm chuyện lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án cho người không đủ điều kiện...

Phạm nhân được sống trong lành

Điều kiện sống, sinh hoạt của phạm nhân đã được Pháp lệnh Thi hành án phạt tù quy định nhưng còn thiếu và sơ sài. Dự luật lần này quy định gần như chi tiết.

Theo dự luật, phạm nhân ở buồng giam tập thể nhưng chỗ nằm tối thiểu của mỗi người phải là 2 m2, bảo đảm ánh sáng, điều kiện vệ sinh (phạm nhân được đưa vào buồng giam vật dụng cần thiết, nghiêm cấm đồ vật thuộc danh mục cấm). Phạm nhân cũng được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống nhằm giữ gìn sức khỏe, an tâm lao động, học tập.

Trại giam phải khám sức khỏe cho phạm nhân để lập hồ sơ phục vụ việc giam giữ, lao động, học tập, phòng chữa bệnh. Phạm nhân được học tập theo chương trình đã quy định, được học nghề phù hợp với điều kiện thực tế của trại, được thông tin về thời sự, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Dự luật quy định phạm nhân lao động tám giờ/ngày; được nghỉ các ngày lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật. Phạm nhân có thể làm thêm giờ nhưng không được quá hai giờ/ngày... Thời gian lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ Bảy, Chủ nhật được tính nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền hay hiện vật.

Phạm nhân mắc bệnh, có nhược điểm về thể chất, tinh thần có thể được miễn, giảm thời gian lao động. Phạm nhân bị thương tật do tai nạn lao động được hưởng chế độ trợ cấp. Kết quả lao động, học nghề của phạm nhân sau khi trừ chi phí hợp lý được sử dụng chi bổ sung mức ăn; thưởng cho phạm nhân; mua sắm, sửa chữa công cụ lao động...

Phạm nhân còn được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Mỗi phân trại sẽ có thư viện, khu vui chơi, hệ thống truyền thanh. Mỗi buồng giam tập thể sẽ có một tivi màu để phạm nhân giải trí.

Gần hơn với gia đình

Dự luật cũng có những quy định thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam với gia đình phạm nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân.

Theo đó, định kỳ sáu tháng trại giam phải thông báo tình hình chấp hành án của phạm nhân cho gia đình phạm nhân. Trại sẽ cùng gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho phạm nhân; động viên họ yên tâm chấp hành án, tích cực học tập, lao động, rèn luyện để được khoan hồng.

Trại sẽ phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy nghề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phạm nhân hòa nhập cộng đồng sau khi thụ án tù xong...

Dự luật quy định phạm nhân được gặp thân nhân hai lần/tháng, được nhận thư, tiền mặt, đồ vật không thuộc danh mục cấm (với tiền mặt, phạm nhân phải gửi trại giam quản lý và việc sử dụng phải theo quy định). Phạm nhân được gửi mỗi tháng hai lá thư, trường hợp cấp bách thì được gửi điện tín. Phạm nhân cũng được liên lạc điện thoại trong nước bằng tiếng Việt với thân nhân mỗi tháng một lần nhưng mỗi lần không quá năm phút...

Quy về một mối

Theo Bộ Công an, các quy định về thi hành án hình sự hiện nay nằm tản mát ở các văn bản như Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, thông tư liên tịch... nên chưa tập trung, không đầy đủ, chặt chẽ. Lần này, dự luật Thi hành án hình sự gần như quy về một mối, quy định các vấn đề sau:

- Nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa về các hình phạt.

- Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng.

- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự; quyền, nghĩa vụ của người phải chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thi hành án hình sự.

- Thi hành bản án, quyết định của tòa về hình phạt tiền, tịch thu tài sản (thực hiện theo pháp luật thi hành án dân sự).

KHẢI HÀ - TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm