Các bộ trưởng đối mặt nhiều vấn đề ‘nóng’

Trao đổi với báo giới trước phiên chất vấn ba ngày tới, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (QH), nói: “Sẽ không có sự né tránh các vấn đề nóng, những vấn đề mà người dân đang quan tâm sẽ được ưu tiên xem xét, kể cả liên quan đến BOT”.

Không chất vấn về tham nhũng

. Phóng viên: Bà nhận xét gì về các vấn đề được lựa chọn để chất vấn?

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội

,+ Bà Nguyễn Thanh Hải (ảnh): Tôi nhấn mạnh rằng ở đây quy trình lựa chọn các vấn đề chất vấn, các nội dung chất vấn là hết sức rõ ràng, chính xác và khoa học, dựa trên luật hoạt động giám sát của QH, của đại biểu (ĐB) QH và hướng dẫn về lựa chọn này.

Ngoài ra, cơ sở khác nữa là những trao đổi, thảo luận về kinh tế-xã hội tại hội trường. Thậm chí có những vấn đề liên quan đến BOT, đã được giám sát ở Ủy ban Thường vụ QH gần đây nhưng ĐBQH, cử tri vẫn rất quan tâm nên kỳ này vẫn được đưa ra là một nhóm vấn đề cho Bộ GTVT. Như vậy là không có sự né tránh đối với các vấn đề nóng hiện nay.

. Có ý kiến cho rằng vấn đề tham nhũng dường như bị để lọt tại phiên chất vấn lần này.

+ Cử tri nêu ra vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng cũng đã được thảo luận nhiều trong phiên thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và luật này dự kiến sẽ được thông qua trong ba kỳ họp. Kỳ này vẫn có thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường nên tôi nghĩ rằng vấn đề liên quan đến PCTN đã được nhắc tới rất nhiều ở các phiên thảo luận.

Tôi muốn nhấn mạnh là việc lựa chọn dựa trên cơ sở ý kiến cử tri nêu và rất công khai, minh bạch, không ảnh hưởng gì tới nội dung.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Quảng Trị) tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: CL

Làm sao mà né được!

. Với vị trí của ban là nơi tiếp xúc gần gũi với nguyện vọng của cử tri nhất thì bà thấy cử tri đánh giá thế nào về trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành?

+ Việc trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp và có cử tri rất tâm huyết gửi cho tôi 30 trang viết tay đánh giá từng bộ trưởng một trong phiên chất vấn từ phong thái trả lời, vấn đề trả lời, nội dung trả lời…

Cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ trưởng trong thời gian vừa qua đã cố gắng trả lời và sau khi trả lời đã cố gắng giải quyết, tổ chức thực hiện những cái mà mình đã trả lời đó. Có những vấn đề cụ thể cử tri một địa phương chất vấn được mang đến kỳ họp và bộ trưởng đã có trả lời thấu đáo, cử tri giám sát việc giải quyết.

Một vấn đề nữa liên quan đến vấn đề chất vấn là cử tri mong muốn có một cơ chế mạnh hơn nữa, xử lý mạnh hơn nữa đối với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện. Cử tri nhấn mạnh rất mong muốn có một cơ chế minh bạch để xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi không thực hiện đầy đủ các kiến nghị nêu trong các nghị quyết giám sát cũng như nghị quyết chung của QH.

Cử tri cũng muốn gửi gắm là qua việc trả lời chất vấn, qua việc thực hiện các vấn đề cử tri nêu, ĐB hãy lấy đó làm cơ sở đánh giá một cách chính xác trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành.

. Mỗi lần chất vấn là bộc lộ bản lĩnh cá nhân của các bộ trưởng mà lại ngay liền kề kỳ QH lấy phiếu tín nhiệm. Liệu các bộ trưởng có né tránh hay e ngại việc mình được chọn chất vấn không?

+ Làm sao mà né được vì bây giờ có quy trình thủ tục lựa chọn rồi, dựa trên kiến nghị của cử tri, dựa trên phiếu chất vấn của ĐBQH và dựa trên các vấn đề nóng đã được lựa ở trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội. Đấy là những lựa chọn công khai, có số phiếu đầy đủ. Cách thức tổ chức chất vấn cũng được cải tiến rất nhiều. Không phải chỉ bốn bộ trưởng lựa chọn mới phải “đối mặt” với các câu hỏi ĐB nêu mà có rất nhiều vị khác phải phối hợp cùng trả lời. Đặc biệt là còn có cả các phó thủ tướng phụ trách các lĩnh vực. Vì vậy cũng là cách để cử tri đánh giá và qua đó cử tri sẽ lại gửi gắm để ĐB đánh giá mức độ tín nhiệm trong kỳ họp sau.

. Nhưng cũng có những bộ trưởng chẳng bao giờ phải trả lời chất vấn cả. Vậy thì việc lúc nãy bà nói nên coi chất lượng trả lời là căn cứ đánh giá tín nhiệm thì liệu có phiến diện hơn so với các vị hay phải lên ghế nóng không?

+ Điều này tùy thuộc vào các vấn đề cử tri nêu. Thêm nữa điều này còn phụ thuộc vào ĐBQH. ĐB có thể trực tiếp hỏi các bộ trưởng nhưng cũng có ĐB nói: “Tôi không hỏi bộ trưởng, tôi hỏi phó thủ tướng…”.

Chất vấn chỉ là một biểu hiện trong trách nhiệm giải trình của bộ trưởng thôi.

Nhân dân là giám khảo

. Ban Dân nguyện nhận thấy chất lượng trả lời cử tri như thế nào?

+ Có thể nói việc trả lời kiến nghị cử tri là có một sự nỗ lực của Chính phủ và các thành viên, có sự chuyển biến rất tích cực về chất lượng giải quyết, thời hạn giải quyết kiến nghị của cử tri. Tất cả vấn đề cử tri nêu thì đều phải được trả lời. Có thể việc trả lời chưa giải quyết được do nhiều lý do khác nhau.

Trước đây các thành viên Chính phủ có thể trả lời “chúng tôi sẽ tiếp thu”, “sẽ nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới” thì hiện nay không còn hiện tượng này nữa. Nó đã được thay đổi bằng “chúng tôi xin tiếp thu, xin trả lời thông tin đến các ĐB là…”.

Hoặc có những thời điểm dự kiến giải quyết như đến năm 2018, 2020, thậm chí có dự kiến là đến 2026. Việc nêu lên được lộ trình giải quyết cũng làm cho cử tri yên tâm. Điều này cho thấy vấn đề được đặt ra đã được các bộ, ngành quan tâm. Có đến hơn 90% các câu hỏi đã được trả lời, tức là đều có lộ trình giải quyết.

. Vì sao lại có sự chuyển động này, thưa bà?

+ Theo tôi, trước hết là do sự năng động của Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ, ngành.

Việc lắng nghe ý kiến của cử tri là quan trọng số một để ban hành chính sách, sau đó việc tổ chức thực hiện các chính sách này lại do nhân dân chấm điểm. Nhân dân là vị giám khảo quan trọng nhất.

. Tức là sự chuyển động đó đến từ tự thân của Chính phủ hơn là những sức ép từ QH?

+ Tôi nghĩ rằng việc đổi mới phương thức hoạt động của QH cũng tạo ra chuyển biến này, cả sự thay đổi trong cách giám sát. Việc đánh giá từ các đoàn, các ĐBQH về việc các bộ trưởng trả lời chất vấn là một căn cứ rất quan trọng. Chúng tôi sử dụng phiếu đánh giá, hình thức mới nhất trong kỳ này và lấy thông tin từ các đoàn ĐBQH. 59/59 đoàn ĐBQH để trả lời có thay đổi chất lượng và số lượng trả lời.

. Xin cám ơn bà.

Ba ngày chất vấn, QH tập trung vào bốn nhóm vấn đề

+ Chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các TP lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT.

+ Chất vấn Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà về công tác quản lý đất đai tại các TP lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

+ Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về thực trạng thị trường lao động, giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc; chất lượng dạy nghề; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em...

+ Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận được nhiều câu hỏi về kinh tế vĩ mô, công vụ hành chính và các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy