Ông đồ ‘chui’!

- Câu này nghe sai sai sao ấy nhỉ, ông đồ tức là người hay chữ, sao lại còn có vế cải biên liên quan đến thi thố là sao ông?

- Không sai đâu, Hà Nội vừa công bố hội chữ xuân năm 2016, theo đó những ông đồ muốn được cho chữ cho bàn dân thiên hạ phải trải qua kỳ thi sát hạch. Tôi nghe bên lề có ông vừa đọc đề thi xong thì xin bỏ thi luôn, có ông thì kêu đau bụng xin kiếu. Ban tổ chức còn tiết lộ năm nay các thí sinh “ông đồ” được biết trước đề thi để về nhà luyện chữ, được tra từ điển để viết chữ mà vẫn trượt cơ, thế mới đau!

- À tôi có đọc trên báo bảo rằng trong 44 ông đồ dự thi năm nay chỉ có 15 người trúng tuyển lọt vào vòng cho chữ “chính quy” đấy.

- Đúng rồi nhưng đúng hơn nữa là trong số 15 người đỗ thì có người chỉ đỗ năm nay, tức là chỉ được cho chữ năm nay thôi, còn các ông khác thì được cho chữ ba năm, tức là mấy năm sau không phải thi sát hạch nữa.

- Úi giời, gay cấn thế cơ à! Tôi cứ tưởng rằng phàm những ai đi cho chữ thiên hạ toàn là người sành chữ cả chứ.

- Đồ cũng có nhiều loại mà. Hôm công bố hội chữ xuân, ban giám khảo nói nhiều ông đồ cho chữ búa xua, thành ra người xin chữ không biết chữ mình đang treo trong nhà lại có nghĩa khác tiêu cực, vì chữ Hán, chữ Nôm đôi khi chỉ sai một nét là… nghĩa đi một dặm.

- Thế thì phải sát hạch là đúng rồi.

- Thì chủ trương vẫn phải làm chặt, thế nhưng năm ngoái vẫn lọt ra mấy ông đồ không trúng tuyển mà vẫn ngang nhiên “bày mực tàu giấy đỏ, trên phố tắc người qua” để hành nghề đó.

- Không đậu sát hạch mà vẫn hành nghề thì gọi là đồ gì ta.

- Theo logic tư duy trước giờ, người ta gọi đó là đồ… chui!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm