‘Cá nục chứa phenol ở Quảng Trị vẫn ăn được’

Ngày 13-6, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho hay Việt Nam hiện chưa có quy định liên quan đến việc sử dụng phenol trong thực phẩm. Về nguyên tắc, trong trường hợp này Việt Nam sẽ phải theo Codex nhưng Codex cũng chưa có quy định về việc này.

Chưa có quy định giới hạn phenol trong thực phẩm

Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long cho biết theo một số nghiên cứu của cơ quan ATTP châu Âu (EFSA), lượng phenol ăn vào hằng ngày chịu được của cơ thể người là 0,18 mcg (microgam)/kg thể trọng/ngày.

“Như vậy, với mức công bố phenol trong cá nục ở Quảng Trị, sáu mẫu chỉ có một mẫu có phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg thì tính trung bình một người Việt Nam nặng 50-55 kg, ngày nào cũng ăn 200 g cá có chứa phenol như hàm lượng ở Quảng Trị công bố sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe” - ông Long khẳng định.

Theo ông Long, chất phenol trong tự nhiên có ở nhiều thực vật như cà chua, chuối, ca cao, quả dâu tây... Ngoài ra, con người có thể tiếp xúc với phenol (tổng hợp nhân tạo) qua nhiều nguồn khác nhau qua đất, nước, qua môi trường làm việc như sản xuất nylon, nhựa... Thậm chí phenol cũng có trong thực phẩm và có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán...

Phenol tác hại tới sức khỏe con người như thế nào? Ông Long dẫn các nghiên cứu cho rằng chưa có bằng chứng chứng minh phenol gây ung thư. Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế không xếp phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người.

“Theo một nghiên cứu đã công bố, liều gây chết 50% loài động vật thực nghiệm (chuột) của phenol là 300-600 mg/kg thể trọng. Riêng trong thực phẩm hiện nay, theo tất cả tài liệu, chưa có cơ quan, tổ chức nào quy định giới hạn phenol trong thực phẩm” - ông Long nhận định. “Khi đưa ra số liệu nào cần phải có cơ sở và bằng chứng chứng minh cụ thể để tránh gây hoang mang cho người dân” - ông Nguyễn Hùng Long nói.

Ông Long cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Trị gửi mẫu cá nục tại kho đông lạnh của hộ kinh doanh Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) tới các viện chuyên môn ở Hà Nội để đánh giá lại một lần nữa. Hàm lượng phenol trong các mẫu cá này sẽ được so sánh với số liệu từ cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và Hoa Kỳ.

Sáng 13-6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy lại mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc (khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh). Ảnh: NĐ

Có thể do nước biển nhiễm phenol cục bộ

Tuy nhiên, cũng trong chiều 13-6, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết phenol là một tổ hợp nhiều chất, được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp, với vai trò là dung môi hữu cơ sản xuất thuốc nhuộm, sản xuất chất dẻo, sử dụng trong chất tạo màu và không có tài liệu nào nói được dùng trong thực phẩm.

Đặt vấn đề với hàm lượng cá nục bị nhiễm 0,037 mg/kg nó ảnh hưởng như thế nào đối với người sử dụng, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: “Phenol là chất độc, dĩ nhiên dù ít hay nhiều thì đều có ảnh hưởng đến người sử dụng. Tuy nhiên, nó vẫn không quá nguy hại ngay với con người. Riêng việc nói chất cực độc là không đúng, nhiều chất cực độc hít phải có thể tử vong ngay nên trường hợp này nên gọi đúng là chất cấm”.

Theo PGS Thịnh, cá nục nhiễm phenol có thể do hai khả năng chính. Thứ nhất, chất phenol có sẵn trong môi trường nước biển. Hai là trong quá trình sử dụng nước biển gần bờ để rửa cá, mà bờ biển này đã bị nhiễm chất phenol từ trước đó.

“Cũng có thể môi trường nước biển bị ô nhiễm cục bộ ở nơi cá sinh sống thì nó cũng dẫn đến việc cá nục bị nhiễm phenol” - ông Thịnh cho biết.

PGS Thịnh cho biết thêm hơn 20 tấn cá nục bị nhiễm phenol không nhất thiết phải tiêu hủy. Phenol rất dễ hòa tan trong nước nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên. Sau đó lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm nhiều lần như thế sẽ khiến phenol giảm nồng độ, tiến hành kiểm tra trước khi thực hiện đông lạnh trở lại. Hàm lượng 0,037 mg/kg là rất nhỏ, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên ăn cũng không đáng ngại.

Sáng 13-6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Chi cục Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã tiến hành lấy lại mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở đông lạnh của bà Thuộc.

Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thuộc mong muốn: “Cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra chất phenol có trong cá nục của cơ sở là xuất phát từ đâu và có kết quả xét nghiệm chính thức cho cơ sở cũng như người dân biết để còn làm ăn buôn bán”.

Bà Thuộc cho biết lô hàng 20 tấn cá nục được nhập về từ ngày 5-5 đến ngày 3-6 cách thời điểm cá chết là 15 ngày. Tại thời điểm nhập về là 70 tấn cá, đã xuất kho 40 tấn và còn lại khoảng 20 tấn. Cá được nhập ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế nhưng được kiểm nghiệm là đánh bắt ở vùng biển an toàn.

Theo biên bản làm việc của Sở Y tế, trước thời điểm niêm phong (11-6) chủ cơ sở ước lượng số lượng lô cá nục là khoảng 25 tấn. Nhưng vào sáng 13-6, trong quá trình chia lô lấy mẫu kiểm nghiệm, đoàn đã xác định tổng số lượng cụ thể của lô hàng là xấp xỉ 20,08 tấn.

Khi hỏi về quy trình đông lạnh, bà Thuộc lý giải: Cá mua của ngư dân, tiến hành rửa sạch bằng nước lạnh sau đó bỏ vào phòng đông với nhiệt độ -40 độ C, sau đó cho vào kho lạnh để bảo quản. Chủ cơ sở không bỏ một loại chất nào vào để bảo quản cá.

NGUYỄN DO

___________________________________

Phenol là chất cấm vì thế trên thế giới không có bất cứ quy định nào về ngưỡng an toàn trong thực phẩm. Ở nước ta, Bộ Y tế mới chỉ đề ra mức chuẩn phenol trong môi trường, cụ thể trong nước biển là 0,03 mg/l và trong không khí 4 mg/m3.

PGS-TS NGUYỄN DUY THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm