Buôn lậu luôn tìm cách mua chuộc cán bộ

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP, báo cáo tại hội nghị triển khai đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh Tây Nam bộ, do Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức vào ngày 19-6 tại TP.HCM. Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ trì.

Theo nhận định của các lực lượng chức năng, trong sáu tháng đầu năm, tình hình hoạt động của các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại ở tuyến biên giới Tây Nam và trên vùng biển phía Nam cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra điểm nóng, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Hầu hết các vụ mới chỉ bắt giữ được tang vật, phương tiện vi phạm, số vụ bắt giữ được người vận chuyển, chủ hàng còn thấp, chiếm khoảng 1/5 tổng số vụ.

Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, những người buôn lậu luôn tìm cách móc nối với các lực lượng chức năng, nhất là người đứng đầu các đơn vị và người trực tiếp làm việc ở các cửa khẩu, kho gửi. Nhiều người mượn CMND lập công ty ma để nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Khi bị kiểm tra, các công ty này bỏ hàng, không đến nhận.

Riêng tuyến biên giới đường biển, hoạt động buôn lậu xăng dầu vẫn khó kiểm soát. Các chủ đầu nậu người Việt Nam móc nối, giao dịch với các đầu nậu nước ngoài thỏa thuận về giá, thời gian, địa điểm giao hàng. Quá trình sang mạn trên biển, cả hai phương tiện vẫn nổ máy và thả trôi để sẵn sàng trốn chạy, tiêu hủy chứng cứ nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Các đầu nậu không bao giờ ra mặt, chỉ đạo gián tiếp thông qua người áp tải hoặc công ty trung gian. Sau đó, lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu hoặc quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa. Đồng thời, các đầu nậu cũng giao hàng cho các tàu đại lý trên biển trái phép để bán cho ngư dân trên ngư trường. Số lượng dầu buôn lậu bị phát hiện rất lớn, lên đến khoảng 1,8 triệu lít.

Thượng tá Nguyễn Thái Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, cho biết: Những người buôn lậu thuốc lá thuê người nghiện vận chuyển. Họ bất chấp tính mạng, sẵn sàng phóng xe tốc độ cao. Lực lượng chức năng bắt hôm trước, hôm sau họ lại đi chở thuốc tiếp.

Còn ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh, than là dân nghèo sống ở gần biên giới cũng nhiệt tình tiếp tay cho buôn lậu vì tiền công cao gấp nhiều lần so với đi làm thuê.

Một đại biểu An Giang đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Lực lượng chống buôn lậu có chống lưng cho buôn lậu hay không? Khi nào công tác chống buôn lậu thắng lợi? Tôi cho rằng rất khó trả lời”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. “Nhiều nơi lực lượng phòng, chống buôn lậu gắn camera theo dõi buôn lậu thì các đối tượng buôn lậu cũng gắn camera theo dõi lại lực lượng chức năng. Tình hình thẩm lậu gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của đất nước… Các địa phương cần ổn định công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, xây dựng lực lượng vững mạnh, không có kẽ hở, không bị mua chuộc, không tiếp tay cho buôn lậu…” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm