Bức xúc vụ để mẹ gõ cửa tìm nơi giám định khi con bị xâm hại

Sáng 18-4, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đã tổ chức giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quận Bình Tân.

Đoàn giám sát của HĐND TP tại quận Bình Tân bày tỏ quan tâm, bức xúc vì tình trạng xâm hại trẻ ở nhà trọ. Ảnh: LÊ THOA

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Cẩm, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH, quận Bình Tân, cho biết trong 2 năm 2017 – 2018 trên địa bàn xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em (năm 2017: 8 vụ, năm 2018: 10 vụ). Tất cả đã được cơ quan điều tra thụ lý và xử lý đúng quy định.
Phải đi lòng vòng thì còn gì để giám định?
ĐB HĐND TP Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh một người mẹ dắt con gái 5 tuổi bị xâm hại tại phòng trọ, ở phường 14, quận Tân Bình đi từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm chỉ để giám định vì cơ quan này “chỉ” sang cơ quan kia. Hai mẹ con phải đi từ công an phường lên BV, Trung tâm pháp y, Công an quận rồi quay về công an phường…. vẫn chưa giám định được.
“Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin khi trẻ bị xâm hại đã có. Vậy mà ngay giữa trung tâm TP, hai mẹ con phải đi lòng vòng suốt đêm thì đây là việc phải suy nghĩ. Phải giám định liền mà phải đi lòng vòng thì còn gì để giám định? Người dân sẽ thấy họ không được bảo vệ” – ĐB Trâm nói.
 “Công tác tuyên truyền đủ mọi hình thức mà người dân cảm giác họ không được bảo vệ, người phạm tội không được xử lý nghiêm khắc thì tuyên truyền coi như đổ sông đổ biển” - ĐB Trâm tiếp
Về vấn đề này, ông Vương Anh Tài, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP) khẳng định khi bị xâm hại thì việc giám định pháp y phải được thực hiện ngay, hoàn toàn không được đùn đẩy. Bất cứ ngày đêm có sự việc xảy ra cần giám định thì có thể gọi cho ông Giám đốc Trung tâm pháp y qua số điện thoại: 0903001873. Hoặc qua đường dây nóng của Sở Y tế…. Nhưng phải nói với công an quận để lập hồ sơ trưng cầu giám định.
“Đó là vấn đề để có đủ thủ tục chứ không phải đùn đẩy”, ông Tài phân trần.
Ông Tài cũng cho biết: Khi trẻ bị bạo hành, tất cả các BV có chuyên môn đều có quyền giám định chứ không phải chỉ một mình Trung tâm pháp y. Còn nếu trẻ cần cấp cứu do không cầm máu được thì các BV chuyên sâu phải cấp cứu chăm sóc điều trị ngay.
ĐB HĐND TP Trần Thị Hải Yến hỏi lại: Vậy phải có công an thì Trung tâm pháp y mới giám định?
Lúc này, Trung tá Nghiêm Văn Út, Phó Trưởng Công an quận Bình Tân cho biết khi có vụ việc xâm hại xảy ra thì công an phường đến tiếp nhận vụ việc ban đầu, công tác giám định được thực hiện cả ngày lẫn đêm, không có gì khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên phải có cơ quan công an đi cùng chứ nạn nhân không thể tự đi giám định.

Ông Chung Hùng Bang, Phó Trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH TP) cho rằng các cơ quan liên quan chưa hiểu hết về quy trình xử lý trẻ bị xâm hại hiện nay, cũng như không có cơ chế phối hợp. Ảnh: LÊ THOA

Ông Chung Hùng Bang, Phó trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH TP) nhìn nhận quy trình xử lý vụ việc xâm hại trẻ em thì các ban, ngành liên quan chưa hiểu hết, hiểu sâu.
“Làm sao tránh phiền hà cho người dân. Nếu người dân lên BV trước thì BV có thể yêu cầu có giấy giới thiệu của công an là đúng chứ không phải sai. Tuy nhiên, nên có sự phối hợp, dẫn dắt, chỉ đạo, có thể khi phụ huynh đã đưa trẻ em đến BV để giám định thì BV có thể chủ động liên lạc với công an để hoàn thiện thủ tục hồ sơ và đảm bảo cho trẻ được giám định pháp y ngay, chứ không thể đi chỗ khác” – ông Bang nói.
Không để trẻ ở nhà trọ một mình
“Rất nhiều vụ việc xảy ra xâm hại tại nhà trọ. Vụ việc mới đây ở Tân Bình là trẻ bị xâm hại chính tại nhà trọ của mình. Khi trẻ ở nhà trọ một mình, không chỉ có nguy cơ người ngoài vào xâm hại bé, mà bé có thể hiếu động đụng chạm đến mạch điện thì còn nguy hiểm nữa. Đây quả là điều bức xúc” – ông Bang phân tích thêm.
Theo ông Bang, làm sao tránh nguy cơ bị xâm hại, xây dựng cơ sở giữ trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất miễn phí cho trẻ em là con của công nhân; người dân nhập cư được chăm sóc là điều cần giải quyết.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP đặt vấn đề rằng hiện nay tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày ở quận Bình Tân chỉ đạt 30%, làm sao tăng thời gian này lên để tránh trẻ em ở trọ một mình.
ĐB Nhung gợi ý, địa phương có thể rà soát, liên kết với các trường tư thục để đơn vị này giữ trẻ ở buổi thứ hai để dạy năng khiếu, ôn bài.
 

Dẫn trẻ vào khách sạn để xâm hại

Đại diện UBND phường An Lạc A, quận Bình Tân cho biết vừa qua trên địa bàn quận xảy ra một vụ xâm hại trong khách sạn. Đối tượng chạy xe ôm, tạm trú ở phường, đi qua phường Bình Trị Đông A dụ dỗ một trẻ bị câm điếc bẩm sinh về một khách sạn trên địa bàn phường để xâm hại.

Bà Mai Thị Ngọc Hoa, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP bất bình và cho rằng phải tuyên tuyền với cả đối tượng nhà nghỉ khách sạn về vấn nạn xâm hại tình dục. “Không thể thấy một người đàn ông đưa trẻ em vào khách sạn mà chủ khách sạn vì không tiền mà không lên tiếng” – bà nói.

-----

Trên địa bàn quận Bình Tân, số lượng người di dân từ các tỉnh khác đến sinh sống làm ăn tại quận ngày càng tăng. Hiện toàn quận có 7.889 nhà trọ, phòng trọ và nhà ngăn phòng cho thuê với hơn 216.217 người thuê để ở. Trong đó có đối tượng trẻ em sống với cha mẹ và đa phần có cuộc sống khó khăn.

Đa số dân nhập cư chỉ lo làm ăn kiếm sống, ít quan tâm đến con em họ dẫn đến có những trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ bị tai nạn thương tích hoặc bị xâm hại tình dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm