BS Nguyễn Tri Thức, Phạm Khánh Phong Lan nói về đấu thầu trang thiết bị y tế

Sáng 10-11, bên hành lang phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) công tác trong ngành y tế TP.HCM nhìn nhận những trường hợp sai phạm về đấu thầu trang thiết bị y tế trong thời gian qua là sự cố đáng tiếc.

Sai phạm cá nhân đã rõ nhưng cần cái nhìn đa chiều

ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, nhìn nhận: “Chắc chắn có những sai phạm mang tính cá nhân, bởi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố thì đều có các chứng cứ rõ ràng, không thể nào đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế được”.

db-tri-thuc-sai-pham-dau-thau

ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM, trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Thức, những ai tiêu cực với các bằng chứng từ cơ quan chức năng về thông thầu, móc nối, thổi giá… thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này cần nhìn nhận khách quan, đa chiều, bởi cá nhân sai phạm là rõ rồi nhưng cũng phải xem lại cơ chế.

ĐB Thức cũng cho rằng cần phải có quy định thật chi tiết về việc đấu thầu trang thiết bị y tế, để người muốn làm sai cũng không làm được. Ông nêu ý kiến nên có quy định riêng, chi tiết về mua sắm các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc hoá chất. Bởi mặt hàng y tế có đặc thù rất riêng so với mặt hàng khác vì tính chất cấp cứu của người bệnh, mô hình bệnh tật với những bệnh rất hiếm. Như vậy sẽ hạn chế tối đa chuyện tiêu cực, đảm bảo kịp thời cấp cứu người bệnh.

Nói rõ hơn, ĐB Nguyễn Tri Thức kiến nghị cần có chương riêng cho đấu thầu thiết bị y tế trong Luật Đấu thầu. “Y tế là ngành đặc biệt, không phải kinh doanh, chúng ta không thể kinh doanh sức khoẻ được nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu để có thể đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh” – ĐB Thức nhấn mạnh.

Theo ĐB Thức, xã hội hoá y tế là chủ trương rất đúng cho các bệnh viện có điều kiện đầu tư trang thiết bị y tế kịp thời, hiện đại, phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, để tránh lặp lại những sai phạm như trên thì Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn thêm về cơ chế xã hội hoá.

“Việc này sẽ giúp tránh nâng giá thiết bị, tránh bắt tay nhau kéo dài thời gian liên kết không phù hợp, cũng như tránh bắt tay nhau trong chia tỉ lệ để lạm thu người bệnh” – ĐB Thức nói thêm.

Sai phạm của người thầy thuốc là điều khó chấp nhận

Về vấn đề này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận những sai phạm này là của cá nhân chứ không phải phổ biến trong ngành, cũng không riêng gì ngành y tế.

db-phong-lan-sai-pham-dau-thau

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, trao đổi với báo chí. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Lan, ngành nào cũng vậy, cũng sẽ có cá nhân hoặc là không nắm vững luật lệ, hoặc là nắm vững rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm. “Sai phạm tới đâu thì cơ quan chức năng sẽ trả lời nhưng rõ ràng chúng ta không ủng hộ cái sai mà phải đặt lợi ích người dân lên trên hết” – ĐB Lan khẳng định và cho biết sai phạm trong ngành y tế luôn được người dân quan tâm, vì đó là vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp của một bác sĩ cứu người.

ĐB Lan chia sẻ, sai phạm đến từ người thầy thuốc là điều rất đau lòng và khó chấp nhận.

Theo bà, đầu tiên người làm sai phải tự xem lại mình nhưng cũng cần phải nhìn lại xem thể chế, cơ chế, môi trường có thuận lợi cho cán bộ y tế làm đúng không.

“Nếu sai lầm do bản thân người đó tiêu cực, ham muốn tiền bạc thì cá nhân phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những quy định chồng chéo nhau và trong một chừng mực nào đó khi bị sức ép phải làm nhanh, làm gấp để có phương tiện cứu bệnh nhân thì có thể người ta chủ quan, bỏ qua các bước mà phạm sai lầm” – ĐB Lan phân tích và đưa ra vai trò của Bộ Y tế trong việc đặt ra chính sách.

Nhìn lại việc quản lý trang thiết bị, vật tư y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết hầu như là các bệnh viện tự bơi, chỉ có Luật Đấu thầu nhưng mang tính chung chung cho các ngành. Trong khi đó đặc thù về máy móc của ngành y rất phức tạp; các công ty cạnh tranh, mong có lợi nhuận nên không loại trừ có những mánh khoé, đẩy giá trang thiết bị lên cao.

Bà Lan cho rằng với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, theo như ý của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thì nên có bộ phận chuyên nghiệp tại Bộ Y tế lo về việc này. ĐB Lan kiến nghị nên tổng hợp dữ liệu về trang thiết bị trong toàn quốc thành một bảng tổng hợp chung, công khai giá trần, giá sàn bao nhiêu.

“Nếu như ai có ý định vi phạm, công ty muốn thổi giá lên thì thấy cái đó cũng phải chùn lại” – bà nói và cho rằng cần có cơ chế quản lý đấu thầu, khi đó sẽ quản lý được giá. Bởi giá trị của thiết bị y tế không chỉ nằm ở việc mua máy đó bao nhiêu tiền mà còn cơ chế hậu mãi, sữa chữa sau này…

Đi sâu hơn vào cơ chế đấu thầu, ĐB Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị cần công khai, minh bạch đấu giá. “Máy đó có những hãng nào sản xuất, giá gốc bao nhiêu, biên độ lợi nhuận cho phép bao nhiêu, chúng ta có thể họp với các công ty để hỏi, sau đó đấu công khai...” – bà nói.

Bà đề nghị Bộ Y tế lập danh mục các loại máy móc, thủ thuật sử dụng trong ngành y, liệt kê giá trần, giá sàn cụ thể; sau đó giao mức giá này về cho các bệnh viện mua sắm. Nếu xê xích trong khoảng được cho phép do biến động thị trường thì vẫn chấp nhận được.

Không nên đổ lỗi do phòng chống dịch bận rộn

Về ‘loạn’ giá xét nghiệm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng không nên đổ lỗi do phòng chống dịch bệnh bận rộn mà việc này chính là một phần trong phòng chống dịch. ĐB Lan đề nghị Bộ Y tế rút kinh nghiệm và có những chỉ đạo quyết liệt hơn, chứ không thể chủ quan cho rằng đó là mặt hàng không quy định về quản lý giá.

“Nếu chưa quy định mà thực tế cần thì làm, chúng ta có thể đề xuất các chính sách có tác động đến thị trường” – ĐB Lan nói và nhìn nhận vừa qua mỗi bệnh viện một giá, khiến người dân rất thắc mắc, nghi ngờ.

Còn ĐB Nguyễn Tri Thức cho biết qua thực tiễn trải nghiệm, trong giai đoạn đầu, sinh phẩm y tế đến từ nhiều nguồn khác nhau. Khi dịch bùng lên, nhiều nước, nhiều nơi cùng mua nên có khi ‘mình mua cũng không có’.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về việc thu giá xét nghiệm.

“Hiện giá xét nghiệm đã tương đối thống nhất trong thực thanh thực chi của Bộ Y tế” – ĐB Thức nói và kỳ vọng thời gian tới sẽ đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, có sự thống nhất tương đối giữa bệnh viện công và bệnh viện tư để tránh chênh lệch giá xét nghiệm quá mức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm