Thủ phủ titan kêu cứu - Bài 4

‘Bóng ma’ phóng xạ rập rình từ mỏ titan

“Chúng tôi chưa từng nghe nói trong mỏ cát đen (titan) có phóng xạ”, nhiều người dân ở gần những mỏ khai thác titan Bình Thuận đều nói với chúng tôi như thế dù các cơ quan chức năng đã không ít lần phát hiện trong mỏ khai thác titan có hoạt độ phóng xạ vượt mức cho phép.

Có nơi phóng xạ vượt ngưỡng cả chục lần

Mới đây, khi tiếp cận khu vực khai thác titan ở mỏ Thiện Ái (huyện Bắc Bình, Bình Thuận), chúng tôi thấy có một biển cảnh báo phóng xạ nằm gần một hồ nước tự nhiên. Cách đó không xa có nhiều người dân đang chăn thả bò. Tuy nhiên, do không để ý tấm biển cảnh báo nên người chăn thả gia súc không biết đây là vùng nguy hiểm. “Trước giờ chúng tôi chưa nghe ai nói mỏ khai thác cát đen (titan) có chất phóng xạ” - một người đàn ông chăn gia súc bày tỏ.

Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, vấn đề ô nhiễm phóng xạ ở khu vực khai thác titan thuộc huyện Bắc Bình đã được Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận phối hợp với Viện Địa lý và Tài nguyên môi trường TP.HCM khảo sát từ nhiều năm trước, sau khi xảy ra các sự cố môi trường ở khu vực khai thác. Kết quả quan trắc cho thấy ở những khu vực khai thác quặng titan, hoạt độ phóng xạ đều vượt ngưỡng cho phép, có mẫu vượt đến cả chục lần.

Đơn cử tại khu vực mỏ Thiện Ái (huyện Bắc Bình), đoàn nghiên cứu xác định nước thải trong tuyển quặng của bốn công ty đang khai thác titan tại khu vực này đều bị nhiễm mặn ở vị trí lấy mẫu. Độ phóng xạ trong nước thải nói chung đều vượt quá quy chuẩn cho phép. Đặc biệt, phông phóng xạ gama tại nơi tập kết quặng của Công ty TN, Công ty SM vượt quy chuẩn 26-36 lần. Tại thời điểm khảo sát, nước biển khu vực ven biển gần các mỏ khai thác titan ở huyện Bắc Bình cũng có hoạt độ phóng xạ vượt tiêu chuẩn từ 2,4 đến hơn 10 lần.

Công nhân khai khoáng được xem là đối tượng có nguy cơ nhiễm xạ cao. Ảnh: TRUNG THANH

Sau khi Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận phát hiện nhiều khu vực khai thác titan có độ phóng xạ vượt mức cho phép, đến năm 2011, Bộ TN&MT cũng lập đoàn kiểm tra và xác định có đến năm khu vực khai thác mức phóng xạ cũng vượt ngưỡng quy định nhiều lần. Đây là năm mỏ có quy mô khai thác titan lớn ở Bình Thuận vào thời điểm này. Trong đó có nhiều mỏ do Bộ TN&MT cấp phép khai thác.

Đến năm 2013, tại mỏ titan của Công ty PH (TP Phan Thiết), tổ giám sát của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cũng phát hiện nhiều mẫu nước thải có độ phóng xạ vượt mức cho phép. Tuy nhiên, sau đó công tác giám sát về phóng xạ bị tạm ngưng do mỏ khai thác titan của công ty này tạm dừng hoạt động.

Thế nhưng, mới đây trong những ngày đầu tháng 8, theo hình ảnh chúng tôi ghi nhận được, tại khu vực mỏ của Công ty PH vẫn có công nhân bơm nước đỏ.

Xưởng tuyển quặng: Rất đáng lo ngại về chiếu xạ

Liên quan đến chất phóng xạ trong các mỏ khai thác titan ở đồi cát ven biển, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh hoạt động xả thải ở các khu vực khai thác có độ phóng xạ α, β vượt quy định là khá phổ biến. Theo đó, khi nguồn nước bị ô nhiễm, phóng xạ sẽ ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của công nhân khai thác, chế biến quặng titan và cả người dân địa phương. Nguy hiểm là các triệu chứng không xuất hiện ngay tức thì mà tích tụ lâu dài nên người dân bị ảnh hưởng cũng không thể nhận biết kịp thời.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Đặng Trung Thuận (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết ông và các đồng nghiệp đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về phóng xạ ở các mỏ khai thác titan ven biển. Phóng xạ tại khu vực khai thác và chế biến quặng titan ở Bình Định rất cao. Ở Bình Thuận, ông và các cộng sự chưa nghiên cứu sâu về phóng xạ nhưng kết quả của một số đơn vị khác thực hiện cho thấy mức độ chiếu xạ ở các mỏ titan cũng khá cao. GS Thuận cho hay với vùng cát đỏ có lượng sa khoáng cao như Bình Thuận thì cường độ phóng xạ cũng sẽ cao hơn ở Bình Định.

Một biển cảnh báo phóng xạ hiếm hoi tại mỏ khai thác titan ở khu Thiện Ái, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).. Ảnh: TRUNG THANH

“Qua khảo sát thực tế ở Bình Thuận, tôi nhận thấy nơi nguy hiểm nhất là xưởng tuyển quặng. Nơi này, quặng để khô, phóng xạ sẽ phát tán vào không khí nên người tiếp xúc rất dễ hít phải. Đây được gọi là liều chiếu trong (qua đường hô hấp vào sâu bên trong cơ thể) nên sẽ gây nguy cơ ung thư phổi. Do đó cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân” - ông Thuận cảnh báo thêm.

Tài liệu do chúng tôi có được cũng cho thấy từ nhiều năm trước Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận cũng từng kiến nghị cần phải trang bị máy đo liều bức xạ cá nhân cho công nhân thường xuyên tiếp xúc với sa khoáng để theo dõi tổng mức liều nhiễm xạ hằng năm.

Nguy hiểm khi đồi cát bị đào lên

‘Bóng ma’ phóng xạ rập rình từ mỏ titan ảnh 3

Theo GS-TS Đặng Trung Thuận, quặng sa khoáng titan không chỉ là “cát đen” vô hại mà trong đó có các khoáng vật chứa các nguyên tố phóng xạ.

Khi các cồn cát ven biển chưa tác động, lớp sa khoáng nằm ở độ sâu dưới mặt đất phông phóng xạ ở mức bình thường so với suất liều chiếu xạ tự nhiên nên không ảnh hưởng đến môi trường và con người.

Song khi hoạt động khai thác sa khoáng titan diễn ra thì mức độ phát xạ sẽ tăng lên, gây mất an toàn bức xạ. Cụ thể, quá trình khai thác, tập kết, vận chuyển, tồn trữ, chế biến quặng sẽ làm phát tán các chất phóng xạ, tích tụ trong chất thải sản xuất… có thể gây nhiễm phóng xạ, nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Cần cảnh báo đúng mức

‘Bóng ma’ phóng xạ rập rình từ mỏ titan ảnh 4

Ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi có thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học, chứng minh các mỏ khai thác titan phát tán chất phóng xạ, ông đã chất vấn các đơn vị liên quan nhưng nhận được câu trả lời rất chung chung. “Tôi nghĩ vấn đề này cần phải được làm rõ thêm để có những cảnh báo đúng mức nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra” - ông Thiện nói.

_____________________

Bài cuối: Giải pháp nào cho các “hố đen” titan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm