Bốn năm nữa, sân bay Đà Nẵng sẽ sạch dioxin

Ngày 8-8, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo khoa học về phương pháp xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đây là hội thảo tiền đề cho dự án xử lý ô nhiễm sắp thực hiện tại sân bay này.

Được biết mức độ ô nhiễm dioxin theo quy định Việt Nam là 1.000 PPT trong đất nhưng sân bay Đà Nẵng đang có nồng độ vượt gấp 10-17 lần so với quy định. Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết: “Đây là dự án mà nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra 29 ha đất sạch, làm mất nguy cơ tiềm ẩn về chất độc hóa học. Việc này đánh dấu sự hợp tác tốt đẹp giữa hai chính phủ, đồng thời là tiền đề để tiếp tục xử lý dioxin tại các sân bay khác trên cả nước”.

Dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2011 đến 2016 bằng phương pháp hấp thụ nhiệt. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ viện trợ 41 triệu USD và Chính phủ Việt Nam cấp vốn đối ứng thêm 35 tỉ đồng để thực hiện dự án.

Chi tiết về cách thức xử lý dioxin, bà Randa Chichakli - đại diện nhà thầu quản lý và giám sát xây dựng CDM Smith - cho hay: Phương pháp xử lý ô nhiễm dioxin bằng hấp thụ nhiệt được thực hiện theo quy trình khép kín. Đất ô nhiễm được đào và đưa vào các mố, nhiệt trong các mố lên tới 335oC sẽ phá hủy tới 95% dioxin. 5% dioxin còn lại chuyển thành hơi và đi vào một hệ thống xử lý khác, sau đó được làm sạch triệt để trước khi đưa ra môi trường. “Smith đã từng thực hiện hơn 1.800 dự án về chất thải nguy hại tại hơn 500 địa điểm trên toàn nước Mỹ. Vì vậy, chúng tôi cam kết sẽ xử lý dioxin một cách triệt để” - vị đại diện của nhà thầu khẳng định.

Theo USAID, sẽ có khoảng 73.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin được xử lý trong bể chứa rộng 70 m, dài khoảng 100 m. Các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ được triển khai để loại trừ bất kỳ một tác động có hại nào đối với cộng đồng xung quanh. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn của các công nhân đang làm việc tại hiện trường, nhân viên sân bay và cộng đồng xung quanh thì các biện pháp kỹ thuật, giám sát môi trường nghiêm ngặt sẽ được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Để tẩy rửa dioxin tại sân bay, nhà thầu Smith sẽ đo nồng độ nền của dioxin và bụi; lập các trạm quan trắc nồng độ dioxin, bụi trong không khí quanh khu vực hiện trường; giám sát tốc độ gió, phun nước để hạn chế bụi, che phủ đất trên xe tải, lập hàng rào ngăn cách và hạn chế tối đa hoạt động thi công trong mùa mưa… “Chỉ cần phát hiện thấy nồng độ dioxin vượt mức cho phép hoặc có gió lớn là chúng tôi dừng thi công ngay lập tức” - bà Randa Chichakli nói.

Trong vòng bốn năm tới, sau khi dự án hoàn thành, sân bay Đà Nẵng sẽ “sạch bóng” dioxin và lúc đó sẽ tiếp tục thực hiện tẩy rửa tại các sân bay khác.

Cả nước hiện có ba điểm nóng về dioxin là sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Trong đó, ô nhiễm dioxin tại Phù Cát tương đối nhẹ nên hiện được chôn lấp, cô lập chống lan tỏa. Tại sân bay Biên Hòa, vùng ô nhiễm mới có 4 ha được cô lập chôn lấp xử lý. nồng độ dioxin tại sân bay Biên Hòa rất lớn, hơn cả sân bay Đà Nẵng.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm