Bóc trần các thủ đoạn trong ‘chạy chức, chạy quyền’

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Điểm đáng chú ý trong hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức, xây dựng đảng diễn ra ngày hôm qua (19-1) tại Hà Nội là lần đầu tiên một chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ đã được đưa ra thảo luận.

Đây là một phần quan trọng trong đề án mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đặt hàng” Ban Tổ chức Trung ương sớm tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành một quy chế riêng phòng ngừa, ngăn chặn nạn “chạy chức, chạy quyền”.

Chạy từ nơi “sung túc” sang nơi có quyền lực chính trị

Tại hội nghị, hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” đã được nhận diện với các biểu hiện đa dạng. Đó là chạy để từ chưa có chức thành có chức; từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn; từ nơi ít lợi ích, bổng lộc sang nơi nhiều bổng lộc. Ngoài ra còn có chạy từ nơi sung túc, đầy đủ vật chất, kinh tế sang nơi có quyền lực chính trị để “trú ẩn, hạ cánh an toàn”...

Từ các biểu hiện ấy, có thể đánh giá “chạy chức, chạy quyền” là một loại “bệnh”, là biểu hiện đặc trưng của tham nhũng quyền lực, liên quan trực tiếp tới công tác cán bộ.

Đối tượng “chạy” là rất đa dạng. Đầu tiên là những người chưa đủ hoặc không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh về năng lực, uy tín, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn nhưng vẫn tìm mọi cách để leo lên, bất chấp các nguyên tắc cơ bản của đạo đức chính trị. Rồi có những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng do những bất cập trong công tác cán bộ, hoặc “ghế thì ít…” mà dẫn tới tâm lý hoang mang, phải “chạy đua” tìm kiếm vị trí cho mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Hình thức chạy cũng lắm trò, lắm kiểu. Dễ nhận diện nhất là dùng tiền bạc, vật chất, quan hệ… hoặc lợi ích khác, tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua người nhà, người thân… để trao đổi, thỏa thuận, hối lộ, thống nhất với người có chức, có quyền quyết định hoặc người có thể can thiệp vào công tác tổ chức cán bô, để đạt được tham vọng về vị trí, chức vụ, quyền lực. Thâm hiểm hơn là dùng thủ đoạn, mánh khóe bôi nhọ, nói xấu, nói không đúng sự thật, tung tin chuyển công tác, “gài bẫy” với “đối thủ” có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang cùng cạnh tranh với mình, tạo lợi thế trong cuộc đua chức quyền.

Nội dung của “chạy chức, chạy quyền”, ngoài nghĩa đen của những từ này thì còn có những mục tiêu cụ thể như chạy để được đào tạo, bồi dưỡng; chạy tuổi, chạy để có chứng chỉ, bằng cấp, xác nhận hợp thức hóa hồ sơ phục vụ công tác nhân sự. Rồi chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu; chạy tội, chạy kỷ luật để xóa vết đen…

Buông lỏng kiểm soát quyền lực

Với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu gồm nhiều bước, nhiều khâu, nhiều cấp tham gia ý kiến như hiện nay thì đối tượng “được chạy” cũng rất đa dạng. Bất cứ ai có thể tham gia, tác động, can thiệp đến công tác tổ chức cán bộ cũng có thể được đối tượng “chạy” nhắm đến. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương thì người đứng đầu và người trực tiếp làm công tác nhân sự thường là đối tượng “được chạy”.

Khi người “được chạy” đã ăn mồi, họ có thể sẽ thao túng quyền lực trong công tác tổ chức để dễ bề chi phối việc bố trí, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm người “chạy” đến mình. Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo, vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho người “chạy” để đạt mục tiêu chức, quyền. Một cách gián tiếp họ có thể để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thao túng, can thiệp trái phép vào công tác cán bộ; bao che, nâng đỡ hoặc làm đầu mối dung dưỡng, bảo vệ, tiếp tay cho hành vi “chạy chức, chạy quyền”…

Không chỉ là quan hệ “chạy” và “được chạy”, người có chức vụ, quyền hạn đến mức có thể tham gia quyết định về công tác nhân sự, vì mục đích vụ lợi, có thể tranh thủ sắp xếp, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà, cánh hẩu vào các chức vụ có quyền lực, lợi ích cao hơn. Cũng vì vụ lợi, họ có thể tham gia thao túng công tác tổ chức, cán bộ để chia chác chiếc bánh lợi ích.

Đặt vấn đề “chạy chức, chạy quyền” trong bài toán kiểm soát quyền lực, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng yếu kém kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ chính là cơ sở nảy sinh “chạy chức, chạy quyền”. Ngược lại, “chạy chức, chạy quyền” là điều kiện phát sinh, dẫn tới việc buông lỏng kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ.

Trên thực tế, chỉ từ sau Đại hội XII đến nay, việc vào cuộc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận hàng loạt vụ việc với sai phạm rõ ràng gắn với “chạy chức, chạy quyền”.

Đó là các sai phạm tại Ban cán sự đảng Bộ Công Thương khi đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi đối tượng này được đưa lên vị trí phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Vũ Huy Hoàng thì chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn…

Đó là sai phạm của ông Ngô Văn Tuấn, khi là giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn, rồi trong thời gian ngắn bỏ qua các quy trình, thủ tục bổ nhiệm làm phó phòng, trưởng phòng, rồi đề nghị quy hoạch phó giám đốc sở…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm