Bộ Xây dựng đề xuất: Không dùng tiền mặt khi mua bán nhà đất

Ngày 12-5, Bộ Xây dựng có báo cáo gửi cho Thủ tướng về thị trường bất động sản. Trong đó, Bộ đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân gây lãng phí tài nguyên đất; nguyên nhân của những khiếu kiện gay gắt giữa chủ đầu tư với khách hàng trong các dự án nhà ở; các bất hợp lý quanh việc phát triển các dự án nhà ở cao cấp... Để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phòng ngừa rủi ro cho người dân, Bộ đề xuất hàng loạt biện pháp mạnh.

Không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, các dạng vi phạm trong kinh doanh bất động sản hiện nay còn phổ biến như chủ đầu tư giao nhà chậm so với tiến độ, chất lượng không đảm bảo như thỏa thuận ban đầu, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có việc lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Để chấn chỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra về trình tự thủ tục đầu tư, huy động vốn, mua bán của chủ đầu tư trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới. Kiểm tra thường xuyên các sàn giao dịch bất động sản, kiên quyết xử lý những sàn giao dịch cố tình vi phạm và những hành vi gian dối, “làm giá” gây mất ổn định thị trường.

Bộ Xây dựng đề xuất: Không dùng tiền mặt khi mua bán nhà đất ảnh 1

Thi công xây dựng một chung cư cao cấp tại quận 8, TP.HCM. Ảnh: HTD

Bộ cũng đề xuất cần hạn chế và tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, cho thuê nhà ở. Điều này sẽ giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia.

Theo một cán bộ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khi không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản sẽ làm minh bạch thị trường, Nhà nước quản lý được các giao dịch và sẽ tránh việc trốn thuế.

Ngưng việc bán nhà chỉ mới xây thô

Báo cáo nêu hiện có việc các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện. Điều này dẫn đến có nhiều dự án khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch. Tình trạng này không phải chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Bộ cho rằng cần xóa bỏ việc chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Chủ đầu tư phải hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng. Cùng với đó phải xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh các chủ đầu tư vi phạm, có chính sách thuế phù hợp để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về sử dụng đất để tránh lãng phí tài nguyên.

Hạn chế cho vay dự án cao cấp

Theo Bộ Xây dựng, qua kiểm tra việc sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy tỉ lệ biệt thự đưa vào sử dụng mới chỉ gần 60%, nhà ở liền kề đưa vào sử dụng 80%.

Việc còn nhiều nhà chưa đưa vào khai thác sử dụng tại một số dự án phát triển nhà ở do nguyên nhân chủ yếu sau: Cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở chưa hợp lý, nhiều dự án nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỉ lệ lớn trong khi nhà ở chung cư cao tầng chiếm tỉ lệ thấp. Phần lớn các dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, thiếu các công trình thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ... hoặc không được kết nối với hạ tầng chung của đô thị, giao thông đi lại khó khăn. Hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến...

Theo Bộ, cần tăng tỉ lệ nhà chung cư cao tầng với diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tại TP Hà Nội, TP.HCM các dự án phát triển nhà ở phải có tỉ lệ nhà chung cư trên 80%, phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bộ đánh giá hiện nguồn vốn tập trung vào các dự án nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ. Thị trường “bong bóng” thường xuất phát từ phát triển quá nóng các bất động sản cao cấp. Việc cho vay tiền có thế chấp cho cá nhân mà các tổ chức tín dụng đang thực hiện sẽ dễ dẫn đến việc chỉ những người có tài sản thế chấp mới được vay và vay nhiều lần với mục đích đầu tư, đầu cơ. Vì vậy cần phải có tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, hạn chế cho vay các dự án cao cấp.

2.500 dự án nhà ở, khu đô thị đang được triển khai và hàng trăm dự án được khởi công mới, nhiều dự án hoàn thành hạ tầng kỹ thuật hoặc đủ điều kiện để bán đã tăng nguồn cung cho thị trường. Tại TP.HCM có gần 1.400 dự án đang triển khai và 76 dự án mới được phê duyệt; tại Hà Nội có trên 800 dự án và trên 50 dự án được triển khai tiếp do trước đó phải tạm dừng chờ quy hoạch.

(Báo cáo của Bộ Xây dựng ngày 12-5)

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm