Bộ trưởng Y tế: Ung thư chết nhiều không phải do ATTP

Chủ nhiệm UB Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đoàn giám sát đã làm việc với 21 tỉnh đại diện cho cả ba miền, ba Bộ (Y tế, NN&PTNT, Công thương) và nghe Chính phủ báo cáo về việc này.

Kết quả giám sát cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Cả nước có hơn 1.000 vụ ngộ độc với khoảng hơn 30 nghìn người mắc, trong đó hơn 25 nghìn người phải nhập viện, 164 người chết.

"Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn...”-  báo cáo nêu. 

Cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Trong số hơn 54 nghìn hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 9.000 vụ vi phạm...

Không đồng tình với kết luận này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bộ đã mời chuyên gia trong và ngoài nước tìm nguyên nhân các ca ung thư chết. Kết quả cho thấy nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính.  “Không có căn cứ nói bệnh ung thư chết nhiều là do an toàn thực phẩm. Nói vậy dân lại hoang mang nghĩ rằng ăn gì cũng sợ”- bà Tiến nói.

Cũng theo báo cáo, các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính hơn 13 nghìn vụ việc liên quan đến lĩnh vực ATTP; khởi tố, truy tố 91 vụ. Có ý kiến cho rằng, các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự, chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Không đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn quy định tại điều 244 BLHS 1999 về tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, với mức hình phạt tháp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 15 năm tù hay tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng (điều 157) có hình phạt cao nhất lên tới tử hình.

“Hình phạt như vậy nói nhẹ là đánh giá chưa đúng, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào”- bà Nga nói.

“Đoàn giám sát đã gặp nhiều anh em công an. Họ nói đưa ra truy tố rất khó. BLHS 1999 nghe thì rất nghiêm khắc nhưng chả xử được ai, như vậy tính nghiêm minh không còn”-  Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng, BLHS 1999  “khó xử lý”. Lý do bởi các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” chưa được cụ thể hóa. Cạnh đó, đối với hành vi vi phạm về ATTP, gây ra hậu quả đòi hỏi phải giám định xem nguyên nhân chết người, tổn hại sức khỏe có phải do thức ăn, đồ uống hay không. Vấn đề này đang rất khó khăn vì nhiều khi uống rượu 2, 3 ngày sau mới có phản ứng, như trường hợp mới xảy ra ở Hà Giang....

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm