Bộ trưởng và câu chuyện 'chẻ chữ'

Trong đó, người ta chú ý nhiều và có nhiều phản ứng trước chuyện bà Tiến đã nói gì về thông tin em chồng bà tham gia làm Phó giám đốc VN Pharma.

Bộ trưởng Tiến bị phản ứng, vì sao?

Hôm 24-8, trả PV Pháp Luật TP.HCM về một số thông tin liên quan đến dư luận trên mạng xã hội đặt vấn đề việc người thân của bộ trưởng Bộ Y tế có tham gia cổ phần Công ty VN Pharma, Bộ trưởng Tiến nói “bị bịa đặt, vu khống, dựng chuyện”. Đến 28-8, trả lời câu hỏi “VN Pharma có lợi ích liên quan gì đến Bộ trưởng và gia đình?”, Bà Tiến tiếp tục khẳng định: “Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi…”

Chính cụm từ “gia đình tôi”;  “người thân” trong câu trả lời của bà Bộ trưởng đã làm sinh chuyện. Bởi sau đó, thông tin đã được xác thực: Em chồng bà Tiến có tham gia làm Phó Giám đốc Công ty VN Pharma cho đến thời điểm Công ty bị kiểm tra trong vụ nhập thuốc H-Capita. Người ta đặt câu hỏi: Phải chăng bà Bộ trưởng vòng vo, né tránh?

Dù Bộ trưởng Tiến lý giải trước đó bà nói gia đình không liên quan đến hoạt động của Công ty VN Pharma vì thực tế Luật Phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lý nên việc này là không vi phạm. Và ông Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng giải thích thêm: “… Bộ trưởng “không nói” chứ không phải nói “không có”, hai việc này khác nhau. Bên cạnh đó, luật chỉ quy định cha, mẹ, vợ, chồng, con không được làm chứ không nhắc đến em chồng…” . Nhưng dư luận vẫn cho rằng có sự loay hoay, không rõ ràng trong phát ngôn của Bộ trưởng Tiến và lãnh đạo Bộ Y tế trong câu chuyện này.

Đồng ý là Bộ trưởng Tiến và lãnh đạo Bộ Y tế có thể viện dẫn quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng để nói em chồng không được xem là người thân. Nhưng để làm gì? Em chồng là em chồng, ai cũng hiểu là người ít nhiều có liên quan, nói nôm na là người nhà. Thế thôi.

Sai lầm của bộ trưởng là né đi bản chất vấn đề: Mối quan hệ thân tộc ấy có khiến VN Pharma được ưu ái để dễ dàng thắng thầu cung cấp thuốc; có được vị nể mà bỏ qua những thủ tục gắt gao khi nhập thuốc hay không; bộ trưởng có áy náy không khi một người em trai của chồng mình liên quan đến công ty nơi có hành vi bị quy buộc là phạm tội theo luật hình sự, trong lĩnh vực mà mình là người có quyền quản lý cao nhất?

Sai lầm của bà Bộ trưởng còn là đi chẻ chữ và cãi lý với dư luận. Dư luận không bao giờ công bằng.

Bởi: Thứ nhất, dư luận là số đông tập hợp những người không có quyền lực, họ mang sẵn trong lòng tâm thế phản kháng. Khi có sự kiện, phát ngôn gây bão thì đa phần chú tâm vào chuyện phê phán, ném đá… Bộ trưởng Tiến bị rơi vào cơn bão khi những phát ngôn của bà có phần bất nhất.

Thứ hai, theo xu hướng ấy, những thành tựu về phân tuyến khám chữa bệnh; xã hội hóa y tế; nâng chất điều trị; củng cố y tế dự phòng…, những điều quan trọng mà ngành y làm được dưới thời của bà Bộ trưởng bị lu mờ, nằm sâu ở lớp dưới trong con mắt quan tâm của dư luận. Những thông tin vĩ mô ấy nó xa xôi so với thị hiếu, sự nhìn nhận và cảm xúc cá nhân của rất nhiều người. Trong khi ung thư, cái chết, thuốc giả, sự cố vaccine và chạy thận nó trực quan, nó khiến người ta sợ, nó khiến người ta căm phẫn và khi đó người ta không có nhu cầu và cũng không cần lùi lại để nhìn hay cân đong đo đếm cái thành tựu vĩ mô kia.

Thực tế ở ta thì không chỉ có trường hợp này. Nhiều quan chức cũng như thế, thay vì nói về bản chất câu chuyện, lại chọn lựa cách nói rỗng không có thông tin; nói mà như không nói; thay vì giải thích vào thắc mắc, băn khoăn của dư luận thì lại đi viện dẫn các khái niệm quản lý và pháp lý. Khó có thể tìm kiếm sự đồng thuận khi nguyên nhân vấn đề còn nguyên đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm