Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về mối lo đất đai vị trí trọng yếu

.Thưa Bộ trưởng, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng có nêu việc người nước ngoài lách luật, nắm giữ đất ở một số khu vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng. Là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý về lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng có nhận định gì?

+ Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đây là vấn đề dư luận quan tâm, và ở góc độ quản lý nhà nước, tôi cũng hết sức chú ý.

Về thông tin mà báo chí nêu là báo cáo của Bộ Quốc phòng, theo tôi hiểu đó là góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về quốc phòng. Từ quan sát của cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn, thấy hiện tượng như vậy thì nêu ra để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh.

Với tinh thần như thế, là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai, chúng tôi khẳng định cá nhân người nước ngoài cho đến nay không được cấp quyền sử dụng đất đai. Luật Đất đai qua các thời kỳ đều quy định chỉ có pháp nhân, tổ chức được tiếp cận đất đai, và có thời hạn.

Trong công tác quản lý đất đai, chúng ta đã chú ý hơn đến vấn đề kết hợp giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Điều 58 của Luật Đất đai 2013, Điều 13 của Nghị định 43 quy định cụ thể về các trường hợp dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì tùy tình huống mà UBND tỉnh trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư phải xin ý kiến các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao.

Đây là điểm mới của Luật Đất đai 2013. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên cả nước. Chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp, chẳng hạn như cho thuê đất rừng ở vùng biên giới, vì Luật Đất đai 2003 chưa quy định cụ thể, nên địa phương chưa hỏi ý kiến bên quốc phòng... Chính phủ, Thủ tướng đã có chỉ đạo và các địa phương khắc phục vấn đề này. Những trường hợp giao không đúng thì đã thu lại, hoặc chuyển sang cho doanh nghiệp Việt Nam.

. Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết từ 2011- 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng. Bộ Tài nguyên Môi trường đã kiểm tra, xác minh thông tin này chưa?

+ Vấn đề này, năm 2019, tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố, phát hiện một số khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài hoạt động.

Kiểm tra thì thấy không có việc giao đất cho cá nhân người nước ngoài mà tất cả đều là cho pháp nhân - doanh nghiệp. Như vậy là không sai.

Tuy nhiên, đi vào cụ thể thì có một số vi phạm, như giao đất ở cho tổ chức. Hoặc là có vấn đề phải khắc phục, như phải hỏi thêm ý kiến của cơ quan an ninh, quốc phòng theo tinh thần mới của Luật Đất đai 2013.

Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã cùng Đà Nẵng làm việc với các bộ liên quan. Quan điểm chung là dự án nào phù hợp thì cho tiếp tục, còn không đúng chức năng thì yêu cầu phải thay đổi hoặc phải chuyển giao cho Việt Nam. Chẳng hạn, đất ở thì không được kinh doanh trên đó.

Đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng mà chúng tôi được biết, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động không đúng đã được khắc phục. Đặc biệt, những dự án nhạy cảm đã được chuyển giao cho người Việt Nam.

Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã xong, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

. Việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên thế nào, thưa Bộ trưởng?

+ Quản lý đất đai phân cấp rất mạnh, với thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là của chính quyền địa phương. Trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn ở địa phương nên giao cho Đà Nẵng xử lý thôi.

Chúng tôi đánh giá đây là những vi phạm về trình tự, thủ tục, không phải là vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp sẽ khởi kiện, lúc đó sẽ thành vấn đề. Vì những khiếm khuyết ấy nằm ở giao thời luật cũ, chưa đưa yêu cầu an ninh, quốc phòng như một điều kiện quan trọng.

. Thưa Bộ trưởng, người nước ngoài núp bóng thường được thực hiện dưới những hình thức nào, và liệu có gây nguy hại gì?

+ Có một số hình thức, chẳng hạn thông qua quan hệ hôn nhân với người Việt Nam, rồi hi vọng được cấp đất dưới tình chất hộ gia đình, sở hữu chung vợ chồng. Hoặc là người nước ngoài bỏ vốn nhờ người Việt mình lập công ty, qua đó lập dự án xin cấp đất…

Nhưng về cơ bản không đáng lo. Bởi pháp luật đất đai đã quy định rõ chỉ cấp đất cho công dân Việt Nam thôi chứ không cấp cho người nước ngoài. Như thế, luật chỉ bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam chứ đâu có bảo vệ ai đó “núp bóng”.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp đứng tên công dân Việt Nam thì đương nhiên phải hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Ai đó mà “núp bóng” sẽ rất rủi ro về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý khía cạnh pháp lý của các hiệp định bảo hộ đầu tư, hoặc các thỏa thuận khác mà có thể gây khó khăn cho chúng ta trong việc áp dụng pháp luật trong nước…

. Quản lý nhà nước về đất đai cũng như các lĩnh vực khác đều phải cân bằng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vậy tới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ làm gì để bảo đảm hài hòa hai nhiệm vụ này?

+ Đây là câu hỏi rất hay. Vì khi Luật 2013 quy định như vậy thì cũng có ý kiến băn khoăn là cái gì cũng hỏi ý kiến an ninh, quốc phòng thi sao mà làm ăn, mà phát triển được…

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó cần thực hiện thật tốt việc quy hoạch, xác định vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế phù hợp khi giao, cho thuê, cấp quyền sử dụng đất.

Điều này đòi hỏi có sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật khác, như về đầu tư, nhà ở, hôn nhân… Chúng ta cần tạo ra các tiêu chí, điều kiện để kiểm soát hợp lý được quyền tiếp cận đất đai, cho dù là người Việt Nam hay nước ngoài.

Để phát triển thì phải tính đến nhiều thứ, chẳng hạn Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ. Vậy Luật Đất đai đang quy định khá cứng nhắc về việc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, thì tới đây nên thế nào?

Luật Đầu tư cũng vậy, phải tính tới những khu vực được xác định là trọng yếu về an ninh, quốc phòng thì khi kết hợp phát triển kinh tế cần điều kiện gì?

Rồi chuyện “núp bóng” thì luật phải chặt chẽ để không bảo hộ cho việc đó, đồng thời cũng có cơ chế để hạn chế “núp bóng”. Chẳng hạn, đất ở khu vực trọng yếu thì hạn chế mua đi bán lại, phải chứng minh dòng tiền, hạn chế quyền sử dụng…

Chúng ta không thể giữ khư khư, nói là an ninh, quốc phòng mà không làm, không khai thác gì cả. Cần hài hòa chỗ ấy.

. Trả lời chất vấn của ĐBQH năm 2018, ông nói chưa nghe có người nước mua đất ở các vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng. Vừa rồi, một số ĐBQH có dẫn lại, vậy ông có muốn giải thích không?

+ Tôi nói dựa trên số liệu, dựa trên quy định của pháp luật. Cho đến giờ, tôi vẫn trả lời như thế thôi. Nếu ai thấy thì báo ngay, tôi sẽ xử lý nghiêm. Luật không cho phép mà lại cấp đất cho cá nhân người nước ngoài, thì đó là vi phạm nghiêm trọng.

. Xin cảm ơn ông!

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm