Bộ trưởng Tô Lâm: Xuất hiện nhiều loại ma tuý mới

Ba nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Công an lần này gồm:

Thứ nhất, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.

Thứ hai, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia – mua bán bào thai, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Và cuối cùng là công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục

Khái quát kết quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thời gian qua, Đại tướng Tô Lâm cho hay: Bộ Công an đã tập trung trấn áp số đối tượng nguy hiểm cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tại bản Tà Dê, xã Loóng Luông, Vân Hồ, Sơn La…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Đáng chú ý, chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 10.000 vụ, với hơn 11.700 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 300 kg heroin, hơn 3,2 tấn và hơn 437.000 viên ma túy tổng hợp, gần 260 kg cần sa.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dù số vụ bắt giữ giảm gần 13% so với cùng kỳ 2018, nhưng lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục.

“Đây là số lượng ma túy thu được lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, đã liên tiếp phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn”- Bộ trưởng Công an cho biết.

Báo cáo của Bộ Công an cũng điểm lại những vụ án điển hình, như vụ bắt giữ 278 kg ma túy tổng hợp ngày 17-2 tại Hà Tĩnh; 3 vụ bắt giữ 300 kg ma túy tổng hợp, gần 900 bánh heroin, hơn 1.000 kg ma túy tổng hợp vào các ngày 20, 27-3 và 12-4 tại TP.HCM; các vụ bắt giữ 600 kg ma túy tổng hợp, 100 bánh heroin và 700 kg ma túy tổng hợp vào các ngày 15, 17-4, tại Nghệ An; vụ bắt giữ hơn 500 kg ketamin ngày 11-5 tại TP.HCM…

Bộ Công an cũng nhận định, hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, các đường dây chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng tại Mianma, Lào, Thái Lan, Philippin và các đối tượng trong nước đưa ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, Thái Lan vào Việt Nam để đi nước thứ 3 tiêu thụ. 

Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng vỏ bọc là các DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng hàng hóa ở Việt Nam để ngụy trang việc tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy.

Cạnh đó là việc lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa để vận chuyển ma túy. Đáng lưu ý, phát hiện việc vận chuyển cocain từ khu vực Nam Mỹ qua Việt Nam để đi nước thứ 3. 

Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ diễn ra phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, các địa bàn TP.HCM, Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An... 

“Thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn, gắn liền với tàng trữ vũ khí nóng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Đáng lưu ý, từ đầu năm 2019 đến nay phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển ma túy qua đường bưu điện vào Việt Nam”- Báo cáo của Bộ Công an nêu rõ.

Đáng chú ý, ma túy tổng hợp đang dần thay thế heroin trở thành loại ma túy được sử dụng chính trong nước. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới, dạng mới của ma túy thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo giác (“ngáo đá”) không kiểm soát được nhận thức, hành vi, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây lo lắng cho nhân dân.

Tội phạm giết người diễn biến phức tạp

Ở nhóm vấn đề chất vấn thứ hai, Báo cáo của Bộ Công an cho thấy tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp. Riêng 5 tháng đầu năm đã xảy ra gần 450 vụ giết người (tăng 3,47%); 15 vụ giết người cướp tài sản (tăng 15,38%) so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, đã xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...) . 

Phân tích các vụ giết người cho thấy có khoảng 15-17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60-70% các vụ giết người là do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu; xuất hiện ngày càng nhiều vụ giết người do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp ("ngáo đá") gây ra.

Báo cáo nêu lại các vụ án điển hình, như vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra ngày 4-2 tại Điện Biên. Vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột xảy ra ngày 5-1 tại Ninh Thuận. Vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 2 người, bị thương 2 người là hàng xóm xảy ra ngày 4-3 tại Nam Định. Vụ Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP.HCM và 1 người khác tại Long An xảy ra ngày 11-3. Vụ các đối tượng giết 2 người sau đó đổ bê tông trong thời gian dài mới bị phát hiện tại Bình Dương. Vụ Trần Văn Cường giết vợ đang mang thai tháng thứ 8 và con gái xảy ra ngày 27-5 tại Bình Dương…

Theo Bộ trưởng Công an, nguyên nhân của tình hình này là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình trên một số mặt diễn ra rất đáng báo động, hình thành lối sống, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn xã hội bằng hành vi bạo lực; chưa có giải pháp hiệu quả hạn chế tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực trên mạng Internet;…

Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1.800 trường hợp

Ở nội dung chất vấn thứ 3, Bộ Công an cho biết đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy định xử lý đối với các trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông. Công an các địa phương đã tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, xét nghiệm ma túy đối với lái xe tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn và phát hiện một số trường hợp lái xe dương tính với ma túy, đồng thời giao cho các doanh nghiệp vận tải tự quản lý lái xe. 

Riêng trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông – trật tự xã hội dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng CSGT đã tổng kiểm soát gần 42.500 phương tiện; phát hiện, lập biên bản gần 12.000 trường hợp vi phạm (chiếm 28,2%), ra quyết định xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 21 tỉ đồng.

Cạnh đó, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1.800 trường hợp, tạm giữ gần 550 ô tô. Trong đó, đã kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 180 trường hợp vi phạm ma túy.

Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra của đợt tổng kiểm soát này, Bộ Công an tiếp tục ban hành Kế hoạch về việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường, mà có thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn (thực hiện từ 20-4 đến 20-12-2019). Đồng thời chỉ đạo lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phải chủ động sử dụng các thiết bị đo, thử chất ma túy đã được trang bị để kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm…

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, do triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tai nạn giao thông từng bước được kiềm chế và giảm qua các năm. Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều vi phạm vẫn diễn ra phổ biến; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, như: Vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Vĩnh Phúc làm chết 7 người, vụ ở Hải Dương làm 8 người chết...

Trong Báo cáo dài 20 trang gửi các đại biểu Quốc hội, với từng nhóm vấn đề chất vấn, Bộ Công an đều phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tăng cường đấu tranh thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm