Bộ trưởng TN&MT lại giải cứu Hòn Cau

Chiều 5-6, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh rất đồng tình với câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về việc thay thế phương án nhận chìm của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 bằng phương pháp lấn biển.

Bộ trưởng: Thay nhận chìm bằng lấn biển

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Sáng cùng ngày, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đặt vấn đề: Hơn tám tháng qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị Bộ TN&MT đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào đề án giám sát đặc biệt vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao… “Bộ trưởng cho biết có chấp nhận đề nghị trên không? Nếu chấp nhận thì lúc nào phê duyệt đề án và triển khai thực hiện?” - ông hỏi.

Đại biểu Cảnh tiếp: Mới đây, Bộ TN&MT có văn bản hỏi ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận về vị trí nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. “Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết vấn đề này, Bình Thuận đang mong chờ ý kiến của Bộ trưởng” - ông nói.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án kiểm soát đặc biệt, trong đó lĩnh vực về nhiệt điện có tên. “Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ chính thức bàn với địa phương các kế hoạch cụ thể” - ông Hà thông tin.

Về vị trí nhận chìm mà Vĩnh Tân 3 đang đề xuất, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn và phê duyệt phương án thay nhận chìm bằng lấn biển, chống những khu vực bị sạt lở; hoặc lấn biển để tạo ra các diện tích có ý nghĩa sử dụng cho kinh tế. “Nếu địa phương và doanh nghiệp không tìm được khu vực để lấn biển thì để tồn tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 khoảng 50 năm nữa chúng ta cần có giải pháp khác. Những giải pháp đó, thông lệ các nước và Việt Nam đã quy định chặt chẽ” - người đứng đầu ngành TN&MT nói.

Khu bảo tồn Hòn Cau cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Đang trình Thủ tướng thì nhận công văn

Trước đó, tỉnh Bình Thuận bất ngờ khi nhận văn bản của Bộ TN&MT do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký, đề nghị tỉnh có ý kiến về việc nhấn chìm 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét xuống vùng biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Theo văn bản này thì vị trí dự kiến nhận chìm bùn, cát cách ranh giới Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km.

Ngay sau đó tỉnh đã có ý kiến gửi Bộ TN&MT, nêu rõ: Tỉnh luôn ưu tiên chọn phương án dùng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng và đã giao Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư kè tạo bãi chứa vật liệu nạo vét tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt khi có chủ trương của Chính phủ.

Vì vậy, Bình Thuận bất ngờ với văn bản của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Bởi trước đó 14 ngày, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả xem xét kiến nghị của Bình Thuận về chủ trương đầu tư công trình kè tạo bãi chứa vật chất nạo vét.

Trong công văn, Thứ trưởng Kiên nêu rõ: Bộ TN&MT đã xin ý kiến của năm bộ, ngành liên quan, đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định: Đồng ý chủ trương xây dựng công trình kè tạo bãi chứa vật chất nạo vét, kết hợp chống xói lở bờ biển theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận. Theo đó, Bình Thuận dự kiến xây dựng hệ thống kè dài khoảng 5 km dọc bờ biển của hai thôn Vĩnh Hưng, Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Tân và vùng bờ biển các khu phố 13, 14 thuộc thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong để chứa khoảng 3 triệu m3 vật chất nạo vét…

Bộ TN&MT cũng yêu cầu Bình Thuận bổ sung, đánh giá tình hình phát sinh vật chất nạo vét, giải pháp tổng thể phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…

Và khi tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gửi Thủ tướng về vị trí xây dựng kè theo ý kiến của Bộ TN&MT thì lại nhận được văn bản của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nêu trên.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã “gút” như trên.

Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xây dựng theo hình thức BOT, sử dụng than nhập khẩu, gồm ba tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỉ USD.

Trước đây Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu mvật chất nạo vét xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, các nhà khoa học và người dân nên phải dừng lại, thay bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sự việc tạm lắng thì Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 lại xin nhận chìm vật chất nạo vét và vị trí xin nhận chìm cách khoảng 5 km về hướng Bắc mà Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã xin đổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm