Bộ trưởng TN&MT đề xuất 5 giải pháp xây dựng kinh tế tuần hoàn

Chiều ngày 27-1, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021-2030”.

Kinh tế tuần hoàn - xu thế tất yếu

Mở đầu tham luận ông nhấn mạnh xu thế tất yếu của nền kinh tế tuần hoàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.

Đây cũng là định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

“Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái Đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường” - Bộ trưởng TN&MT nói.

Từ thực tế đó, ông nhấn mạnh tính cấp bách phải tìm ra một mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Và một trong những mô hình đó là kinh tế tuần hoàn trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, coi chất thải là tài nguyên, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Nền kinh tế này giúp mỗi quốc gia thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. 

Mô hình kinh tế này giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân… Mô hình này cũng giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Theo Bộ trưởng TN&MT hiện nay nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn, chuyển mình sang mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn và đạt được những thành công nhất định như Liên minh châu Âu, Canada, Mỹ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… 

Còn ở Việt Nam, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. “Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn” - ông nói.

Nền móng cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Bộ trưởng TN&MT cho hay hiện Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải.

Đến nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...

Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy,… trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù còn nhiều hạn chế, như còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn. Vì vậy, đã hình thành một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương; sáng kiến "Không xả thải ra thiên nhiên" do VCCI khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; Đối tác toàn cầu về nhựa của Việt Nam; cộng đồng doanh nghiệp cũng đang rất tích cực hưởng ứng mô hình kinh tế tuần hoàn... 

“Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam” - Bộ trưởng TN&MT nói.

Tuy nhiên, ông cũng nêu ra thực tế việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn cũng gặp một số khó khăn, thách thức như chưa hình thành được ngành công nghiệp môi trường, thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng các sản phẩm, vật liệu đã qua sử dụng.

“Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngắn hạn; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần để chuyển sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn” - ông nói.

5 giải pháp chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn

Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà để đẩy nhanh tiến độ chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, ông đề nghị 5 giải pháp cụ thể:

Một là, cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm... Kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII xem xét ban hành Nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hai là, phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng, xu thế mới, những quy định, tiêu chuẩn đã và đang hình thành trong khu vực và trên quy mô toàn cầu. 

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năm là, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm