Bộ trưởng Tài chính: Tốc độ gia tăng nợ công quá cao!

 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Trả lời chất vấn sáng 17-11, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay có sáu tiêu chí đánh giá an toàn nợ công là nợ công/GDP; nợ Chính phủ/GDP; nợ nước ngoài, quốc gia/GDP; bù đắp bội chi, gồm cả trái phiếu CP; nghĩa vụ nợ CP trực tiếp so với thu ngân sách nhà nước và trái phiếu CP trong nước cho đầu tư của cả nhiệm kỳ.

Đối chiếu lại với chiến lược và các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công thì chỉ có một chỉ tiêu không đạt được là bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Yêu cầu đặt ra đến 2015, bội chi là 4,5% nhưng thực tế chúng ta thực hiện trên 5,5% cả nhiệm kỳ.

Theo ông Dũng, năm năm qua chúng ta có bội chi cao và phát hành trái phiếu CP cao trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước khó khăn. Nhưng từ hôm qua đến nay, nhiều ĐBQH tán thành với các kết quả đạt được về kinh tế-xã hội, đặc biệt là vấn đề chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và một phần cho nông thôn mới. Bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng.
“Như vậy, vấn đề bội chi cao, vấn đề về trái phiếu CP chúng ta đã quyết định thì bước đầu phát huy kết quả nhưng ngược lại tác động là nợ công của chúng ta tăng cao” - ông Dũng nói.
Ông Dũng giải thích lý do nợ công tăng cao bởi:
Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 7% nhưng thực tế cả giai đoạn chúng ta thực hiện đến 2015 là 5,8%.
Do tăng trưởng kinh tế trong nước, do giá dầu thô trên thế giới biến động mạnh theo hướng giảm; chúng ta thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thu cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu.
Chúng ta tiến hành tái cơ cấu DNNN và NH thương mại đồng thời thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình cam kết quốc tế cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước. Tỉ lệ tăng thu bình quân của 2006-2010 là 20,8%/năm nhưng giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt 9,5%/năm…
Nhu cầu chi ngân sách nhà nước tăng mạnh, chúng ta vẫn bảo đảm giữ các mục tiêu, đặc biệt là an sinh xã hội, tiền lương theo lộ trình, có thể phát sinh tăng chi cho quốc phòng, an ninh. Riêng về an sinh xã hội giai đoạn 2011-2015 tăng 18%/năm trong điều kiện tăng thu có 9,5%.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến bội chi cao, nợ công cao” - ông Dũng nói thêm.
Cạnh đó, việc bổ sung kế hoạch phát hành trái phiếu CP, ban đầu quyết định 225.000 tỉ đồng, sau quyết định bổ sung thêm 170.000 tỉ đồng nữa, như vậy cả giai đoạn, tổng phát hành trái phiếu CP là 395.000 tỉ đồng, cao gấp ba lần giai đoạn 2006- 2010, thực tế đã gây áp lực rất lớn lên nợ công…
“Trong xử lý vừa qua, có những thời điểm chúng ta rất khó khăn trong huy động vốn để bù đắp bội chi và trái phiếu CP. Giai đoạn 2011-2013 chúng ta vay khoảng 64.000 tỉ đồng, lãi suất bình quân 10,5%/năm, có những món cao lên đến 13,2%. Chúng ta phải nhanh chóng tái cơ cấu khoản nợ này, chúng ta phải trả cho đến hết quý I/2016” - bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Ông Dũng cho rằng cần phải có các giải pháp mềm dẻo hơn để từng bước tái cơ cấu và bảo đảm an toàn nợ công như đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu, cho phát hành thêm trái phiếu quốc tế… Tuy nhiên, thời điểm này phát hành chưa thuận lợi nên chưa phát hành.
Trả lời câu hỏi giải pháp an toàn nợ công thế nào, Bộ trưởng Dũng cho biết dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng thời gian qua quá cao (20%/năm). Bên cạnh đó, việc phân bổ, sử dụng vốn cũng có “chỗ nọ, chỗ kia”, chưa thực sự hiệu quả.
Trước tình hình đó, CP đã ban hành Chỉ thị số 02 để tăng cường quản lý nợ công với các nội dung chủ yếu như: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới; kiên quyết nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế-xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch; Tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình; cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỉ trọng vay dài hạn, tăng vay trong nước...; quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của CP theo điều kiện siết chặt điều kiện bảo lãnh, không mở rộng diện và chọn lọc có mục tiêu để ưu tiên...
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết Bộ đã xây dựng kế hoạch vay trả nợ đến 2020 cũng như kế hoạch về nợ công; dự kiến đỉnh nợ vào năm 2017 là 64,3%, nếu làm tốt thì sẽ giảm dần đến 2020 còn 58,5%.
Theo yêu cầu, mục tiêu của chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nợ công không quá 65% GDP, trong đó nợ CP không quá 55% GDP, nợ nước ngoài không quá 50%.

Giai đoạn 2011-2015: năm 2011, nợ công là 50%; 2012 là 50,8%; 2013 là 54,5%; 2014 là 59,6% và dự kiến 2015 là 61,3%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm