Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: 'Sử dụng Facebook để thông tin, Chính phủ gần dân hơn'

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Sử dụng Facebook để thông tin, Chính phủ gần dân hơn”

“Qua Facebook Chính phủ ngồi gần với dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn comment vào đó”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son so sánh.

Thông tin này đã gây nhiều chú ý cho giới truyền thông và báo chí. Chiều nay (22/10), bên lề phiên họp tổ, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trao đổi với báo chí xung quanh việc Chính phủ dùng Facebook để giao tiếp với người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: 'Sử dụng Facebook để thông tin, Chính phủ gần dân hơn' ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời báo chí bên lề kỳ họp (Ảnh Hồng Chuyên)

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc Chính phủ đưa thông tin lên Facebook khuyến khích người dân tham gia đồng hành cùng Chính phủ về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Người dân sẽ thấy được và cùng tham gia đồng hành cùng Chính phủ.

“Hiện nay, đang thí điểm thực hiện, những gì được, những gì chưa được. Thí điểm dần dần từng bước một. Việc này vừa dân chủ, vừa tự do thông tin. Qua Facebook, thông tin đến người dân, trừ thông tin bí mật quốc gia, người dân có quyền tiếp nhận thông tin và đề đạt thông tin với Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ.

Bộ trưởng  nhấn mạnh: “Việc Chính phủ đưa thông tin lên Facebook, người dân tiếp cận thông tin qua Facebook là một thuận lợi, tốt cho người dân tiếp cận thông tin, biểu đạt tình cảm trách nhiệm của mình, thể hiện quyết tâm của mình với thông tin đó, thậm chí phản biện thông tin đó. Điều này góp phần để Chính phủ có một kênh, được hay chưa được về chính sách của mình, kịp thời bổ sung tốt nhất”.

Nói về lợi ích của việc đưa thông tin Chính phủ lên Facebook, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, người dân khi vào trang thông tin chính thống của Chính phủ vừa tiếp cận thông tin vừa nêu cao trách nhiệm của mình đóng góp làm sao cho chính sách của Chính phủ hoàn hảo hơn. Góp phần lan tỏa thông tin cho người khác. Vì thông tin tuyên truyền sao cho mọi người dân nắm được chủ trương, chính sách của Chính phủ tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện tốt chủ trương này.

Bộ trưởng giải thích, không có chủ trương chính sách nào ra đời mà đúng, phù hợp ngay với thực tiễn, thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý, thực tiễn phong phú hơn. Người dân “trăm tay nghìn mắt” hơn Chính phủ. Trong thực tiễn đó, người dân ở từng địa phương, trong từng hoàn cảnh cụ thể, từng địa phương, từng ngành cụ thể, các chuyên gia, người dân có thể nhìn nhận sâu hơn sẽ có ý hay hơn. Đây cũng là một kênh để Chính phủ tiếp cận thông tin. Ý kiến sáng tạo, sáng kiến của người dân, những chuyên gia đóng góp làm sao chính sách hoàn thiện hơn.

Theo Bộ trưởng, thực tiễn hiện nay, đang có những thay đổi, tiến bộ xã hội, chúng ta phải thích ứng. Điều này là lý do, Chính phủ áp dụng công cụ phương tiện đã giao tiếp với người dân. Ngày xưa không có truyền hình.  Từ báo viết, báo nói, người ta tận dụng sự tích cực này, Facebook là một sự phát triển. Ta loại trừ người dùng Facebook để đưa thông tin sai trái, bịa đặt thậm chí nói xấu cá nhân, tổ chức, xâm phạm quyền tự do cá nhân, đều là sai trái.

“Chúng ta xác định Facebook là công cụ phương tiện chứ không có tội lỗi gì. Mọi người nên tận dụng công cụ phương tiện này để phục vụ lợi ích tốt đẹp của cá nhân và xã hội. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó, tận dụng Facebook như công cụ phương tiện để người dân tiếp cận gần hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh. 

Bộ trưởng so sánh: “Với trang web, nhiều người ngại vào, giống như Chính phủ ngồi trong phòng của Chính phủ, người đến cũng ngại, phòng nhỏ, người vào hạn chế. Qua Facebook, Chính phủ ngồi gần với dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn comment vào đó”.

Như vậy, người dân sẽ tiếp cận nhiều hơn với thông tin xã hội, nhiều sáng kiến, nhiều y tưởng, của chuyên gia, của người dân. Nhiều ý kiến của người dân rất sáng tạo, Chính phủ nhận thấy điều đó. Cuộc sống, yêu cầu của cuộc sống là mệnh lệnh với người làm chính sách.

Trước những phản ảnh về việc, hiện nay xuất hiện những thông tin giả mạo trang Thông tin Chính phủ, Bộ trưởng cho rằng, cái gì cũng có mặt trái, sẽ có nhiều người lợi dụng phương tiện này. Việc Chính phủ sử dụng Facebook để đưa thông tin,  Chính phủ sẽ đưa thông tin chính thống lên mạng để chèn thông tin sai trái, thậm chí chèn thông tin sai trái. Những thông tin sai trái, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý một cách thích đáng.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thẳng thắn chia sẻ: “Hiện nay bảo mật thông tin là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Nước mà sản sinh ra trang này cũng bị thách thức rất nhiều. Các trang của lãnh đạo các nước cũng bị tấn công. Mình không thể nói là đảm bảo thông tin đó không bị tấn công. Mình nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ thông tin Chính phủ”.

Nói về việc thực hiện như thế nào để trang thông tin trên Facebook của Chính phủ sao cho hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Hôm nay, mới ra vài hôm đã bắt đầu xuất hiện những thông tin có giả mạo. Chính phủ sẽ làm vừa tìm tòi, vừa tìm hiểu, vừa triển khai làm sao rút ra những bài học kinh nghiệm. Nâng cao hiệu quả hơn, mục tiêu cuối cùng là Chính phủ muốn qua kênh trực tiếp giao tiếp với người dân. Tạo điều kiện người dân giao tiếp trực tiếp với người dân.  Qua kênh này, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với dân hơn.  Ngược lại tâm tư nguyện vọng của dân cũng đến gần Chính phủ hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm