Bộ trưởng GTVT nói không với chỉ định thầu dự án BOT

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có chiều dài 654 km và tổng vốn đầu tư 118.716 tỉ đồng, được chia làm 11 dự án thành phần, trong đó có tám dự án đầu tư theo hình thức BOT. Dự án sẽ chia thành các đoạn đường cao tốc bốn làn xe, có giải phân cách ở giữa, tốc độ trung bình từ 80-100 km/giờ, đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long).

Thảo luận tại hội trường, đa số ĐB tán thành với chủ trương đầu tư dự án vì nhu cầu giao thông của các địa phương có dự án đi qua đã rất cấp bách và “nếu không làm sau năm 2020” sẽ ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, các ĐB cũng tỏ ra lo lắng khi trong 11 dự án thành phần của toàn bộ dự án, có đến tám dự án được đầu tư theo hình thức BOT, trong khi đây là vấn đề còn nhiều bất cập, người dân cử tri cả nước đang rất bức xúc với các trạm thu phí BOT bủa vây họ.

Bộ trưởng GTVT nói không với chỉ định thầu dự án BOT ảnh 1ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) dẫn báo cáo giám sát về BOT giao thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã chỉ ra hàng loạt bất cập, sai sót trong BOT giao thông, nhất là việc chỉ định thầu, không minh bạch trong đầu tư các dự án, đặt trạm thu phí không hợp lý…

“Cần phải đảm bảo rõ tiêu chí để lựa chọn dự án, tiêu chí đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư… để đảm bảo nhà đầu tư thực góp vốn; chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và chỉ nộp tiền khi sử dụng đường. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp huy động nguồn lực bằng việc tính toán tỉ suất lợi nhuận đầu tư BOT hợp lý. Giá trúng thầu cần sử dụng khung giá dịch vụ, hợp đồng trọn gói và không điều chỉnh hợp đồng theo đúng nguyên tắc lời ăn lỗ chịu” - ĐB Hàm nói.

Bộ trưởng GTVT nói không với chỉ định thầu dự án BOT ảnh 2
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì lưu ý khía cạnh khác về đầu tư BOT giao thông. Ông cho rằng nếu chính sách về BOT không rõ ràng như thời gian vừa qua thì sẽ không có nhà thầu nào dám tham gia làm BOT. Lý do là khi ký hợp đồng thì thống nhất mức giá, làm xong khi phát sinh thay đổi lại giảm giá, như thế nhà thầu rất khó xử lý.

“Vừa rồi có dự án thống nhất mức giá nhưng do người dân phản ứng thay đổi thì rất khó khăn cho DN. Để khắc phục tình trạng này Chính phủ phải chỉ đạo thống nhất, cụ thể; chỉ đạo NHNN ưu tiên sắp xếp nguồn vốn dài hạn, phải có cơ chế giám sát đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả dự án” - ông Phương nói.

Bộ trưởng GTVT nói không với chỉ định thầu dự án BOT ảnh 3
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Giải trình trước các ý kiến ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết về tám dự án đầu tư theo hình thức BOT, bộ đã sơ kết, rút kinh nghiệm năm năm thực hiện trên quốc lộ 1. Khiếm khuyết đã nhìn thấy và sẽ khắc phục là đấu thầu toàn bộ, đấu thầu lần một không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đấu thầu lần hai, thậm chí lần ba, lần bốn. Và “nếu chậm và không sử dụng hết vốn ngân sách thì Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho dùng 55.000 tỉ đồng đang có”.

Ông Thể cam kết: “Trước đây, theo thông tư hướng dẫn thì đấu thầu lần một không thành công thì được chỉ định thầu, do đó Bộ GTVT đã thực hiện. Nhưng lần này (ở triển khai dự án này - PV) dù cho phép, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch”.

Cũng theo ông Thể, các dự án BOT ở đây sẽ được tổ chức thu phí kín, để người dân “đi bao nhiêu km sẽ trả bấy nhiêu tiền”; tổ chức thu phí tự động để đảm bảo thu công khai minh bạch; đảm bảo làm BOT ở đường mới, để người dân có sự lựa chọn đi đường cũ nếu không muốn mất tiền...

“Để chọn được nhà đầu tư lành mạnh, ngoài việc tổ chức đấu thầu công khai, chúng tôi còn yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ít nhất là 15%, có những dự án là 20%. Trước đây, khi chúng ta làm QL1 chỉ quy định từ 10%-15%” - ông Thể nói.

Giải trình về chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ hai vấn đề. Thứ nhất là khung giá, lộ trình thu phí BOT.

Ông Thể nói: “Tại tám dự án BOT, Bộ GTVT xây dựng mức giá bình quân là 2.500 đồng/km/một xe con năm chỗ. Nhưng giá này mà áp dụng ngay khi hoàn thành dự án thì sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân. Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2-3 năm tăng 200-300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km”. Ông Thể cho hay nếu không thực hiện phương án này thì việc huy động vốn sẽ rất khó khăn, không hấp dẫn được nhà đầu tư và các ngân hàng.

Vấn đề thứ hai là vấn đề giải phóng mặt bằng đã rất gấp, theo ông Thể sau khi QH thông qua chủ trương đầu tư dự án thì trong năm 2018 Chính phủ phải phê duyệt được dự án, rồi điều tra, khảo sát… để giữa năm 2019 khởi công và hoàn thành dự án vào năm 2021. “Chúng ta chỉ có 1,5 năm để lập dự án, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Mong đại biểu QH tăng cường giám sát, chính quyền địa phương ủng hộ để thực hiện tốt giải phóng mặt bằng” - ông Thể nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.