Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đăng đàn đầu tiên

Trước đó Bộ GTVT đã có báo cáo gửi các ĐBQH về những vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của bộ này tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV.

Theo báo cáo, đến nay Bộ GTVT đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 209.000 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ có 68 dự án với tổng mức đầu tư gần 208.000 tỉ đồng.

Bộ GTVT cũng đánh giá các tồn tại, bất cập tập trung vào sáu nhóm vấn đề. Đáng chú ý là việc đầu tư các dự án này hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng. Cạnh đó, việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại, sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình; hầu hết dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư...;

Cùng đó là việc chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu; chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau...

Vấn đề liên quan đến BOT, trong đó có “thu giá” đang gây bức xúc dư luận. Ảnh:VGP

Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, từ năm 2016 đến nay Bộ đã “nghiêm túc, cầu thị, từng bước xử lý các bất cập, tồn tại đã được nhận diện”. Liên quan đến mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT cho rằng mức giá đang thu “được tính toán, xác định phù hợp với mức khung” được quy định tại Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính trước đây và nay là Thông tư số 35/2016 của Bộ GTVT.

Mức giá tại các trạm đều được sự đồng thuận của địa phương và được Bộ Tài chính ban hành thông tư riêng cho từng trạm. Trong quá trình ban hành thông tư, Bộ Tài chính đã có chính sách miễn giảm đối với người dân có nhu cầu đi lại qua trạm nhiều lần trong ngày thông qua việc yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng, miễn thu toàn bộ cho mô tô, xe thô sơ...

Tuy nhiên, văn bản của Bộ GTVT cũng thừa nhận thực tế một bộ phận người dân quanh khu vực trạm sử dụng đoạn đường ngắn vẫn phải trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ, một số phương tiện trên các tuyến đường ngang đi qua phạm vi trạm phải trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ mặc dù sử dụng đoạn đường ngắn.

Để xử lý tồn tại, bất cập này, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ người dân quanh trạm. Đồng thời, “giảm tối đa mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả loại xe nếu phương án tài chính của dự án còn khả thi”.

Về giải pháp xử lý trong thời gian tới, Bộ GTVT cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, bởi cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của hình thức hợp đồng BOT còn nhiều bất cập. Bộ GTVT coi đây là “giải pháp ưu tiên hàng đầu”, đồng thời cho rằng cần sớm xây dựng, ban hành Luật Đầu tư đối tác công-tư, rà soát toàn bộ hệ thống nghị định, thông tư liên quan, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế...

Ngoài ra, thanh tra các bộ và Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, đấu tranh với các sai phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, văn bản của Bộ cho rằng “công tác tuyên truyền và công khai thông tin cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn nữa” để xã hội có được sự đồng thuận hơn về một chủ trương lớn của Đảng, đồng thời cũng là giải pháp tất yếu trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay.

 

Hai phương án cho BOT Cai Lậy

Theo Bộ GTVT, hiện có 17 trạm có những bất cập về vị trí đặt trạm cần có giải pháp xử lý. Trong đó, ba trạm đặt ở ngoài phạm vi dự án; sáu trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; sáu trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành; hai trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án hầm đèo Cả.

Đáng chú ý, trạm BOT Cai Lậy nằm trong danh sách 17 trạm có những bất cập về vị trí, hiện tạm dừng thu. Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu hai phương án xử lý.

Phương án 1: Giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm.

Phương án 2: Xây dựng thêm một trạm ở trên tuyến tránh, thu trên cả hai trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.

“Trên cơ sở hai phương án nêu trên, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Bộ GTVT cho hay.

          

Khiếu nại đất đai, môi trường và đội vốn

Tôi muốn chất vấn bộ trưởng Bộ TN&MT về vấn đề giải quyết khiếu nại về đất đai trên lĩnh vực môi trường, cụ thể là vấn đề quy hoạch “treo”, vấn đề giải tỏa, đền bù. Quy hoạch treo nhiều năm nay rồi vẫn để đó, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Anh quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn mà để xảy ra tình trạng lãng phí đất của nhân dân, để người dân không xây cất nhà được...

Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng rất đáng quan tâm, địa phương nào cũng phải đối mặt. Dùng từ “vấn nạn” thì hơi quá nhưng đây là vấn đề gây bức xúc lớn cho người dân, đặc biệt là ở những khu công nghiệp.

Chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tôi quan tâm đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sử dụng vốn ODA, xử lý các dự án thua lỗ, các dự án đội vốn. Ví dụ như dự án Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn 36 lần, mà không chỉ có vụ đó, còn nhiều vụ khác nữa. Lý do tại sao lại đội vốn như thế? Đội vốn là đốt tiền ngân sách chứ tiền của ai đâu.

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

Sao không giải quyết được việc làm?

Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về vấn đề giải quyết việc làm. Cử tri phản ánh còn tỉ lệ thất nghiệp lớn, trong đó có một lượng không nhỏ là những người đã được qua đào tạo.

Vừa qua có một thực trạng là chúng ta mở rộng ngành nghề đào tạo, đào tạo theo sở thích của người học mà không căn cứ vào nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, thực hiện tái cơ cấu DNNN, hiện nay các tập đoàn kinh tế lớn đang giảm lực lượng khá lớn lao động. Ngoài ra, tinh giản biên chế ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội cũng giảm số cán bộ, công chức, viên chức. Dù có nhiều DN được thành lập nhưng cũng không ít DN dừng hoạt động, DN sản xuất không hiệu quả, không tạo việc làm cho người lao động, thậm chí còn tinh giản lao động…

Đây chính là những thách thức lớn mà Bộ LĐ-TB&XH nói riêng và Chính phủ nói chung đang phải đối diện.

ĐBQH ĐỖ THỊ LAN (Quảng Ninh)

Làm sao chấm dứt bạo hành trẻ em?

Tôi đặc biệt quan tâm đến nạn bạo hành trẻ mầm non và công tác quản lý, chăm sóc trẻ em hiện nay bởi thực tế nạn bạo hành trẻ em, nhất là bạo hành ở bậc mầm non rất đáng báo động. Vì vậy, tôi muốn chất vấn bộ trưởng LĐ-TB&XH về biện pháp làm thế nào để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, tôi cũng hy vọng phần trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ làm rõ một số vấn đề về cổ phần hóa DN, những vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách, sử dụng vốn ODA.

ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng)

Sinh viên thất nghiệp là lãng phí lớn

Tôi quan tâm đến các vấn đề nóng của ngành giáo dục. Vừa qua nhiều sinh viên sau bốn năm học không tìm được việc làm. Không ít sinh viên rơi vào tình trạng thất nghiệp, gây sự lãng phí rất lớn, lãng phí về chi phí đào tạo và lãng phí nguồn nhân lực. Trong khi theo dự báo, con số được đào tạo sẽ vẫn tiếp tục dôi dư.

Vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải duy trì đào tạo như thời gian qua hay không? Đây là vấn đề ngành giáo dục, đặc biệt là bộ trưởng phải tính toán kỹ để giải quyết. Nếu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không tìm ra giải pháp tối ưu để tham mưu cho Chính phủ thì đây sẽ vẫn là thách thức trong thời gian tới.

Tôi mong muốn qua phiên chất vấn này, cũng như qua sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, bộ trưởng sẽ có những giải pháp thiết thực hơn khi rà soát các loại hình đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo để đào tạo đội ngũ sinh viên có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập hiện nay.

ĐBQH HỒ THỊ MINH (Quảng Trị)

NHÓM PV ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm