Bộ trưởng Bộ TT&TT nói về việc 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ'

Tình trạng gỡ bài, các tin trên trang thông tin điện tử được ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ngày 7-11.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói ngoài việc xử lý bằng pháp luật, đạo đức thì Nhà nước trở thành "khách hàng lớn" của báo chí cũng là giải pháp để chặn được tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ". Ảnh: QH

“Theo tôi được biết, các cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTT&TT, Hội Nhà báo đã có quy định chặt chẽ về việc gỡ bài, gỡ các bài, các tin trên các trang thông tin điện tử để chấm dứt tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ.

Xin Bộ trưởng cho biết tỉ lệ các tin, bài gỡ có báo cáo nguyên nhân rõ ràng? Tỉ lệ các bài gỡ xuống không rõ lý do hoặc các bài giữ nguyên tít nhưng sửa nội dung ở trong để lách các quy định và phần mềm rà soát? Bộ trưởng đã có các giải pháp nào để khắc phục tình trạng này và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong thông tin truyền thông?” - ĐB Hiếu nói.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là câu chuyện mà mọi người vẫn nghe, theo đúng cách thức là “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.

“Bây giờ với hàng nghìn cơ quan báo chí, nếu chúng ta ngồi rà soát bằng tay thì không khả thi. Vừa qua, chúng ta đã phát triển một công cụ. Theo đó, tất cả các báo, tạp chí đều phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về Trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử. Chúng tôi đã phát triển một công cụ phân tích để phát hiện xem có chuyện sửa bài không, có chuyện gỡ xuống không” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết công cụ này sử dụng không chỉ riêng Bộ TT&TT mà cả Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo Trung ương, một số Sở TT&TT cũng sử dụng. “Khi chúng ta có công cụ này đã giảm chuyện sáng đăng và chiều gỡ tương đối đáng kể” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, những dấu hiệu vi phạm pháp luật, sách nhiễu của báo chí một cách rõ ràng thì mới xử lý bằng pháp luật được. Nếu như dấu hiệu không rõ thì phải dùng đạo đức, Hội Nhà báo. Bộ trưởng nói đây là sự phối hợp giữa Hội Nhà báo và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT&TT.

“Có những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề báo và chúng ta có hẳn một bộ quy tắc về đạo đức người làm báo. Như vậy, sẽ phối hợp với bên Hội Nhà báo. Tôi nghĩ rằng vừa qua (tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ - PV) có giảm. Sắp tới chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa thì sẽ giảm mạnh đáng kể” - Bộ trưởng cho biết.

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng trả lời các đại biểu về việc một số phóng viên, cộng tác viên của một số tạp chí… “ép” các doanh nghiệp ký hợp đồng quảng cáo. Theo Bộ trưởng, điều này chính là thể hiện kinh tế báo chí đang gặp khó khăn.

Bộ trưởng “khuyến nghị” các doanh nghiệp cần phải biết cách từ chối chiếu theo các quy định pháp luật. Bởi việc xác định xem một phóng viên, cộng tác viên có phải là người của tạp chí nào đó hay không là khá dễ dàng.

Bộ trưởng cũng nhắc lại việc các cơ quan chủ quản của báo chí, tạp chí chưa quan tâm đủ tới các cơ quan báo chí thuộc quyền mình. Từ đó, ông đề nghị UBND các địa phương tạo điều kiện, quan tâm hơn nữa để báo chí phát triển.

Ở cấp trung ương, Bộ trưởng cho biết: “Bộ TT&TT đang xây dựng đề án đặt hàng báo chí. Việc thông tin, tuyên truyền là cần thiết và phải thông qua các nhiệm vụ đặt hàng cho báo chí. Sao cho Nhà nước là khách hàng lớn của báo chí”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.