Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Dịch tả heo châu Phi đã lan ra 48 tỉnh

Ngày 31-5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Cường trả lời thắc mắc của đại biểu.

Nói về dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, nhận định đây là vấn đề lớn, lịch sử chưa bao giờ xảy ra ở Việt Nam và ngành chăn nuôi trên thế giới

Bệnh xảy ra đầu tiên ở châu Phi, do loại virus gây ra, tồn tại lâu trong môi trường tự nhiên, lây lan rất nhanh qua nhiều con đường. Hiện dịch đã trải qua 100 năm nhưng thế giới chưa có vắc xin phòng. Đây là dịch bệnh nguy hiểm cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam và thế giới.

“Hiện thịt heo chiếm 70% lượng thịt trong bữa cơm hàng ngày. Nuôi heo giải quyết 2,4 triệu lao động cùng hơn 10.000 hộ trang trại chăn nuôi lớn, nên chúng ta ý thức được vấn đề này vô cùng quan trọng…”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, ngày 23-8-2018, dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, chỉ sau đó một tuần Bộ NN&PTNN ban hành công điện đến tất cả các địa phương và ngành yêu cầu ngăn chặn dịch bệnh từ xa. Sau đó, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị trực tuyến. Tại đây Bộ NN&PTNT đã mời các chuyên gia, đại diện thú y thế giới để cảnh báo và xây dựng kế hoạch ứng phó. Bên cạnh đó Bộ cũng tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn để nhận diện loại dịch bệnh này và ban hành 50 loại văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, do biên giới kề cận Trung Quốc, ngày 1-2-2019 ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện ở Hưng Yên.

“Nhưng do đặc thù loại virus và điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, liền kề, chật hẹp… nên bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh với trên 1,22 triệu con, chiếm 6,5% đàn heo cả nước, đây là thiệt hại vô cùng lớn của chúng ta… Nếu không có biện pháp tích cực bệnh sẽ lan ra các vùng còn lại và bùng phát dịch ở những nơi bệnh đã đi qua”, ông Cường nhận định.

Để hạn chế dịch tả heo trong thời gian tới, ông Cường cho rằng với tinh thần của Thủ tướng là dập dịch như diệt giặc, cả hệ thống chính trị vào cuộc, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp là người chỉ đạo và huy động toàn dân tham gia công tác dập dịch mới đảm bảo khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung vào giải pháp như nghiên cứu vắc xin phòng dịch…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm