Bộ trưởng Bộ Công an nói về lực lượng kỵ binh vừa ra mắt

Sáng 8-6, Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an tổ chức diễu hành, báo cáo kết quả trước đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đây cũng là dịp lực lượng kỵ binh của Bộ Công an chính thức ra mắt.

Lực lượng kỵ binh diễu hành sáng 8-6. Ảnh: BẢO BẢO

Trao đổi bên hành lang Quốc hội cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, dành sự đánh giá cao cho lực lượng mới nói trên.

Theo Bộ trưởng, mô hình kỵ binh được Việt Nam lấy kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới. Ở các quốc gia đó, kỵ binh phục vụ cho rất nhiều công việc liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự.

Với ưu điểm của mình, ngựa có thể đi được bất cứ địa bàn nào, từ rừng núi cho đến cả địa bàn không có đường xá.

“Bây giờ các nước hiện đại họ cũng dùng ngựa trong thành phố, công việc cũng rất là tốt” – Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.

Cùng với đó, số lượng ngựa của kỵ binh Việt Nam đang phát triển dần, thời gian tới có thể sẽ sử dụng cả giống ngựa trong nước như ngựa Bắc Hà. Đây là giống ngựa đã quen thuộc với địa bàn vùng núi.

Bộ trưởng Công an cũng nhấn mạnh Đoàn CSCĐ Kỵ binh sẽ phục vụ bất kể công việc gì, trong đó có việc tham gia nghi thức quốc gia.

Trước một số băn khoăn về việc giữ gìn vệ sinh khi lực lượng kỵ binh đi trên đường phố, Đại tướng Tô Lâm cho rằng ruột ngựa thẳng, chúng ăn liên tục và tiêu hóa liên tục. Bộ trưởng Bộ Công an đã đưa dẫn chứng về việc giữ gìn vệ sinh cho lực lượng này như kỵ binh Hoàng gia của Anh có thiết bị hứng. Ngoài ra, một số hình thức khác như hốt rác, hút chất bẩn… cũng được áp dụng.

Theo Bộ Công an, giống ngựa của lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh là loại có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình của ngựa phù hợp với việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn...

Đặc biệt, ngựa sẽ là giải pháp tối ưu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, không thể cơ động bằng phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng.

Lực lượng CSCĐ kỵ binh sẽ tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.

Ngoài ra, ngựa còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, quân lượng phục vụ triển khai phương án tác chiến, hành quân dã ngoại trong thời gian dài và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình phức tạp… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm