Bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch với Đại biểu Quốc hội

Sáng 10-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 10 luật vừa được Quốc hội thông qua. Ảnh: ĐỨC MINH

Nâng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40%

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật sửa, đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết luật này đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Mục đích của quy định này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử ĐBQH như nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 vừa qua.

Cụ thể, ngoài đáp ứng những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Một điểm mới đáng chú ý khác là luật vừa được thông qua quy định tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất 40% trong tổng số ĐBQH.

Theo ông Giang, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa 15 sắp tới. Từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ngoài ra, theo quy định của Luật, từ nhiệm kỳ QH khoá XV, hai ủy ban của Quốc hội được đổi tên gọi: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đổi tên thành Ủy Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Về các vấn đề xã hội đổi tên thành Ủy ban Xã hội.

Việc đổi tên của hai Ủy ban này là để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND.

Việc thành lập Văn phòng này phải hoàn thành trước 1-7-2021. 

Ông Giang lý giải: Việc thí điểm hợp nhất ba văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sau hơn một năm thực hiện cho thấy việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho ba cơ quan này.

Việc hợp nhất cũng chưa rõ được vai trò tham mưu trong trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý.

Do vậy, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết 580 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh được tổ chức riêng.

Dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư từ 15-8

Một đạo luật quan trọng khác được công bố sáng nay là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đã nêu rõ sự cần thiết ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ốn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng vay mượn quy định của các pháp luật khác.

Cạnh đó, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.

Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và đảm bảo đầu tư từ phía nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. 

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật PPP, ông Vũ Đại Thắng cho hay Luật PPP quy định năm lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực.

Năm lĩnh vực này gồm: Giao thông, lưới điện (trừ nhà máy thuỷ điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Về quy mô đầu tư, theo Luật PPP, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỉ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quy mô là 100 tỉ đồng.

Đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, Luật PPP cũng quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỉ lệ cố định 50% - 50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.

Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Đáng chú ý, Luật PPP cũng thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, kể từ 15-8-2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

 

Cũng trong sáng nay, tám luật khác cũng được công bố gồm: Luật Xây dựng; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Các luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm