Bỏ quy định chủ đầu tư tự nghiệm thu công trình

“Trước 10 ngày làm việc (hoặc trước 20 ngày làm việc tùy quy mô công trình) so với ngày dự kiến tổ chức nghiệm thu, chủ đầu tư phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước báo cáo hoàn thành hạng mục hoặc công trình để được kiểm tra về công tác nghiệm thu” - đó là nội dung đáng lưu ý tại Nghị định 15 (có hiệu lực từ ngày 15-4) về quản lý chất lượng công trình, thay thế Nghị định 209/2004.

Tùy quy mô, cấp công trình

Nghị định 15 quy định: Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về quản lý chất lượng công trình. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan giải trình, khắc phục các tồn tại nếu có hoặc phải kiểm định chất lượng công trình. Trong vòng 15-30 ngày, cơ quan này phải có kết luận bằng văn bản về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu. Nếu quá thời hạn mà không nhận được kết luận này, chủ đầu tư được quyền nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng.

Bỏ quy định chủ đầu tư tự nghiệm thu công trình ảnh 1

Theo Nghị định 15,chung cư từ bốn tầng trở lên, nhà ở trên 7 tầng… phải được nhà nước kiểm tra về công tác nghiệm thu. Ảnh: HTD

Những công trình được kiểm tra công tác nghiệm thu không phân biệt nguồn vốn mà tùy vào quy mô, cấp công trình (được quy định cụ thể tại Thông tư 33/2009 của Bộ Xây dựng). Chung cư từ cấp III trở lên (bốn tầng trở lên theo Thông tư 33), nhà ở trên bảy tầng, công trình công cộng từ cấp III trở lên phải được Nhà nước kiểm tra về công tác nghiệm thu. Các công trình công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật cũng tùy theo quy mô mà xếp vào đối tượng được kiểm tra hay không. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra gồm Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiểm tra đối với công trình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Thẩm tra tính hợp lý, tiết kiệm công trình vốn ngân sách

Nghị định 15 cũng quy định những công trình trên phải được thẩm tra về thiết kế. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thẩm tra về năng lực của tổ chức tư vấn, sự phù hợp của thiết kế với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mức độ an toàn chịu lực của công trình và các yêu cầu an toàn khác.

“Riêng đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, cơ quan quản lý nhà nước còn thẩm tra thêm sự hợp lý của hồ sơ thiết kế bảo đảm tiết kiệm chi phí và hiệu quả đầu tư”.

Với những nội dung tại Nghị định 15, cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi quan điểm về quản lý chất lượng công trình. Việc tổ chức thiết kế, nghiệm thu và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình đã không được giao phó toàn bộ cho chủ đầu tư như trong Nghị định 209/2004. Thay vào đó, các giai đoạn này đều phải được Nhà nước quản lý.

Theo một chuyên gia, những điểm mới tại Nghị định 15 sẽ khắc phục được tình trạng buông hẳn việc quản lý công trình sau khi được cấp phép xây dựng. Đặc biệt, những công trình có vốn ngân sách được kiểm tra về tính tiết kiệm, hiệu quả trong thiết kế sẽ chống được phần nào tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm tra thiết kế và đánh giá chất lượng công trình. Đồng thời, nếu không kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả, có thể phát sinh tình trạng cán bộ làm khó dễ chủ đầu tư.

Nghị định 15 giao Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu là không cần thiết. Bởi một dự án vốn đã được giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình của nhiều phía (đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, chủ đầu tư). Đã giao cho họ rồi thì không cần Nhà nước kiểm tra lại lần nữa. Ngoài ra, năng lực của cán bộ có đảm bảo không? Chưa kể tiềm tàng nguy cơ nhũng nhiễu.

Về nội dung chống thất thoát lãng phí của các dự án sử dụng vốn ngân sách thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Vừa qua, tôi gửi đơn phản ánh về ba dự án tại TP có sự lãng phí rất lớn từ thiết kế. Nhưng tới nay Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng TP vẫn chưa kết luận hay trả lời về phản ánh của tôi cả.

Kỹ sư NGUYỄN VĂN ĐỰC,Giám đốc Công ty Tư vấn Tân

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm