Bộ Nông nghiệp: Phải đưa giá heo hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg

Chiều 12-3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: AH

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang, cho biết đang được mùa vải, sản lượng dự kiến tăng hơn so với 2019. Để việc tiêu thụ thuận lợi, Bắc Giang đã đẩy mạnh quy trình sản xuất an toàn nhằm nâng cao chất lượng quả vải, đồng thời sớm xây dựng kịch bản tiêu thụ trong nước để nếu xuất khẩu khó khăn thì quay về tiêu thụ nội địa.

"Bắc Giang vẫn quan tâm đến thị trường Trung Quốc nên vẫn duy trì 149 mã vùng trồng để khi dịch được kiểm soát, Trung Quốc có nhu cầu thì đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này", ông Tùng cho biết.

Còn theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỉnh còn hơn 6.000 tấn cá ngừ đại dương chưa xuất khẩu được sang châu Âu. Cuối tháng 3, khoảng 10.000 tấn tôm cũng sẽ gặp khó trong khâu xuất khẩu.

"Một số mặt hàng như ớt, đậu nành, tỉnh dự kiến sẽ gặp cạnh tranh mạnh. Hiện còn 48.000 tấn ớt chưa bán được, dưa hấu còn trên 15.000 tấn tồn đọng. Một số doanh nghiệp gỗ cũng đang gặp khó, đề nghị được giảm lãi suất", ông Châu nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Thảo - Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho hay đã tổ chức sản xuất nhiều mặt hàng như thịt heo, trứng, thịt gà và tổ chức tuyên truyền mạnh trên các kênh. Tuy nhiên, thói quen mua sắm tại chợ tạm, chợ cóc đang gây những ảnh hưởng không tốt. Nhất là vừa qua khi người tiêu dùng đổ xô đi mua thực phẩm ít nhiều gây hỗn loạn.

Về giá heo, đại diện Dabaco cũng đồng tình với Chính phủ không muốn giá heo tăng cao vì sẽ không bền vững. Dabaco cam kết sẽ cố gắng đưa giá heo xuống mức 70.000 đồng/kg heo hơi.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Masan, công ty đã sớm xây dựng kịch bản ứng phó. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua bán an toàn, đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định.

"Ngày 7-3, sau khi Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19, hệ thống siêu thị của Masan ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến. Tuy nhiên, hơn 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ của tập đoàn đã tính trước việc này nên không bị thiếu hàng", ông Nam cho biết.

Phía Masan cũng đã chỉ đạo các nhà máy tăng công suất tối đa, đáp ứng sản phẩm thiết yếu đến người dân như mÌ tôm, thịt heo, nước tương, mắm, chế phẩm từ thịt. Đồng thời phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro để đảm bảo cung cấp gạo cho thị trường.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: AH

Cam đoan đủ thực phẩm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc, đến nay đã gây ra hai vấn đề. Ngoài việc đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân toàn cầu thì dịch bệnh còn làm rối loạn nền kinh tế thế giới, tác động tới tất cả các quốc gia.

Riêng đối với Việt Nam, ngoài tác động của dịch COVID-19, ngành nông nghiệp còn đang chịu các thách thức kép của biến đổi khí hậu khi mới đầu năm đã có mưa đá, hạn hán xảy ra trên cả ba miền. Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn khốc liệt, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.

"Nông nghiệp là ngành đặc thù tạo ra nông sản, thực phẩm cho người dân. Sức sản xuất không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng đến thị trường", ông Cường nói.

Về nguồn cung thực phẩm trong thời gian dịch bệnh, Bộ trưởng nói: Chúng ta yên tâm về lượng thịt heo cùng với thịt gà, trứng, thủy sản, sữa của nước ta đang chiếm tỉ trọng lớn thì cam đoan không thể thiếu thực phẩm.

Bộ trưởng khẳng định: "Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình hình nhiều rủi ro trên thế giới, phía cơ quan sản xuất chúng tôi cam đoan sẽ tập trung cùng các địa phương, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức để tổ chức sản xuất có quy mô và hiệu quả cao nhất".

Liên quan đến giá heo đang tăng cao trở lại, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh: Ngay sau cuộc họp này, phải đưa giá heo hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg. Nếu không người dân và xã hội sẽ quay lưng với thịt heo.

"Tại hội nghị hôm nay, 17 doanh nghiệp lớn về thịt heo cần có vai trò dẫn dắt. Các đơn vị này vào cuộc thì buộc doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đi theo. Làm được điều này chính là bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật, nay lãi mai mất thị trường", ông Cường nói.

Bộ NN&PTNT dự báo với những dự báo về thời tiết, dịch bệnh, dự kiến sản lượng lúa cả năm ước đạt 43,4 triệu tấn.

Sản lượng rau màu dự kiến đạt 18,2 triệu tấn. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu.

Sản lượng cây ăn quả ước đạt trên 13,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,8 triệu tấn so với năm 2019. Về chăn nuôi, dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm