Bộ, ngành... chi 800 tỉ cải cách tiền lương vào mục đích khác

Chiều 21-5, trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết như trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải.

Cũng theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỉ đồng.

Loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu-ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách trung ương hụt thu cân đối gần 1.400 tỉ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho bảy địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu.

Đáng lưu ý, việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách trung ương vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỉ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,5%).

“Đây cũng là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập” - ông Hải cho hay và dẫn chứng kết quả kiểm toán tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương cho thấy việc tinh giản biên chế chưa được triển khai có hiệu quả. Giao biên chế công chức vượt số Bộ Nội vụ giao gần 5.100 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định hơn 63.000 người.

Liên quan đến chi NSNN, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách lưu ý tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn. Cụ thể, các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỉ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác hơn 800 tỉ đồng.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN hơn 670 tỉ đồng; một số địa phương hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi; một số địa phương hụt thu nhưng không điều chỉnh dự toán hoặc thực hiện các biện pháp để xử lý hụt thu theo quy định.

Về chi đầu tư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư như phân bổ vốn chậm, bố trí kinh phí dàn trải, tình trạng phải điều chuyển vốn giữa các dự án, kéo dài thời gian giải ngân vốn vẫn diễn ra... Các dự án được kiểm toán hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán. Qua kiểm toán gần 1.500 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 10.000 tỉ đồng.

“Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá nguyên nhân của các bất cập, hạn chế trong chi thường xuyên, chi đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng điều hành chi NSNN, bảo đảm việc quản lý, sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật về NSNN và pháp luật về đầu tư công” - ông Hải nói đồng thời đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chấn chỉnh để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Ông Hải cũng lưu ý về việc Chính phủ mới báo cáo số lượng các tổ chức, cá nhân vi phạm và số lượng tổ chức, cá nhân đã xử lý kỷ luật nhưng chưa báo cáo cụ thể chi tiết danh sách, mức độ sai phạm của các tổ chức, cá nhân cũng như mức độ xử lý đối với các tổ chức, cá nhân này. Chính phủ cũng chưa báo cáo giải pháp, thời hạn giải quyết đối với các trường hợp chưa xử lý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, bội chi ngân sách năm 2016 gần 250.000 tỉ đồng, bằng 5,52% GDP. Số liệu cho thấy năm 2016 số bội chi đã thấp hơn nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên tỉ lệ bội chi vẫn vượt mức Quốc hội cho phép (4,95% GDP).

“Chính phủ cần quan tâm điều hành để kiểm soát bội chi các năm sau bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là tỉ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP” - ông Hải nhấn mạnh.

Về nợ công, ông Hải cho hay nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015. Tuy các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép (dư nợ Chính phủ là 52,8% GDP, nợ công là 63,8% GDP) nhưng khả năng trả nợ hiện nay rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ... Đồng thời, kết quả kiểm toán cho thấy nhiều dự án vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ hoặc ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ. Một số địa phương có dư nợ vượt mức quy định, bố trí vốn cho các công trình không có trong danh mục đăng ký, không xây dựng hạn mức vay, không lập kế hoạch vay, trả nợ vay...

Kiến nghị thu hồi chi sai hàng trăm tỉ đồng

Trình bày Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận vẫn còn tình trạng chi tiêu sai chế độ ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỉ đồng, kho bạc nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 135 tỉ đồng.

Cạnh đó, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ.

Về kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm trong quản lý tài chính-NSNN, đối với sai phạm năm 2014, đã xử lý 545 tổ chức/640 tổ chức đề nghị xử lý. Số cá nhân đề nghị xử lý là 1.075 người, đã xử lý 1.016 người (chiếm 94,5%).

Đối với sai phạm năm 2015: Đã xử lý 631 tổ chức/722 tổ chức đề nghị xử lý. Số cá nhân đề nghị xử lý là 1.126 người, đã xử lý 1.061 người (chiếm 94,2%). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm