Bộ LĐ-TB&XH lên tiếng về việc Bộ GD&ĐT xin quản lý dạy nghề

Ngày 17-6, tại buổi tọa đàm báo chí, trả lời về việc Bộ GD&ĐT đề nghị được quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng hệ thống dạy nghề thuộc ai thì cũng là Chính phủ quản lý thống nhất về dạy nghề và hiện nay là giáo dục nghề nghiệp, tức là chức năng thống nhất thuộc Chính phủ.

Vì vậy, Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định thẩm quyền giao cho ai là của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện nghiêm quyết định đó.

Tuy nhiên Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng lĩnh vực dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý suốt 42 năm qua đã cho thấy sự khôi phục và phát triển mạnh mẽ của nó, đặc biệt gắn chặt được thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động, mục tiêu giảm nghèo.

"Quan trọng hơn là gắn trực tiếp với các đối tượng mà Bộ LĐ-TB&XH quản lý, ví dụ như người lao động trực tiếp, dạy nghề cho người khuyết tật… từ đó góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm tốt lĩnh vực dạy nghề nếu chính phủ giao quyền quản lý như hiện nay.

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan trường hợp Chính phủ quyết định giao cho Bộ LĐ-TB&XH thì đơn vị sẽ kế thừa kinh nghiệm của 42 năm vừa qua và rút kinh nghiệm những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. “Qua đó chúng tôi  sẽ làm lĩnh vực này ngày càng tốt hơn, nhằm đáp ứng cao hơn nữa của thị trường lao động, hội nhập quốc tế  về nguồn nhân lực…”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Trước đó, Bộ GD&ĐT vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giao Bộ GD&ĐT thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục. Hệ thống này bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện đang thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất sẽ chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH hiện nay về Bộ GD&ĐT. Ở Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ để lại một đơn vị chăm lo đào tạo nghề ngắn hạn có cấp chứng chỉ cho người lao động, đào tạo người thất nghiệp, tàn tật… thực hiện chức năng về chính sách bảo trợ xã hội của Bộ LĐ-TB&XH.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong thời gian qua, sự song trùng quản lý GD&ĐT giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT đã gây ra những bất cập về quản lý, đi ngược với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Sự chồng chéo này đã làm mất đi tính chỉnh thể của hệ thống GD&ĐT, gây khó khăn lớn cho công tác phân luồng học sinh và liên thông trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Ở hầu hết các quốc gia, việc quản lý giáo dục nghề nghiệp đều do Bộ GD&ĐT thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm