Bộ GTVT nói về khoản lỗ tỉ đôla của Vinalines

Liên quan đến vụ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ lũy kế tính đến 31-12-2014 là 20.847 tỉ đồng, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về hướng xử lý, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (DN, Bộ GTVT), cho hay: Tới đây, cùng với việc tiến hành phá sản ba DN làm ăn thua lỗ (gồm Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines), Công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau), Vinalines sẽ tiếp tục bán 50 tàu do cơ cấu không hợp lý.

Đầu tư dàn trải quá khả năng

. Phóng viên: Thưa ông, cụ thể sự cơ cấu không hợp lý về số tàu này như thế nào?

+ Ông Vũ Anh Minh: Do trước đây không dự báo được thị trường nên thiếu đầu tư mua tàu container, trong khi đó tàu hàng rời, hàng khô chiếm phần lớn. Sau đó thị trường biến động, kinh doanh của các tàu hàng lỗ nặng, đặc biệt là tàu hàng khô.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lỗ của Vinalines (ngoài nguyên nhân gánh nợ từ các DN Vinashin chuyển qua, suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh ngành vận tải biển). Cụ thể là do công tác dự báo thị trường chưa được chú trọng, định hướng chiến lược và thực hiện đầu tư phát triển của Vinalines giai đoạn 2007-2010 chưa phù hợp. Đầu tư dài hạn rất lớn chủ yếu bằng nguồn vốn vay tín dụng (chủ yếu bằng ngoại tệ) vượt quá khả năng tài chính của các công ty. Đầu tư đội tàu có cơ cấu loại tàu chưa phù hợp thực tế, hiệu quả khai thác thấp, tàu chuyên dụng chưa được chú ý phát triển. Các cảng liên doanh mới được đầu tư hiện đại, năng suất cao với giá trị đầu tư lớn hoạt động không hiệu quả do chi phí đầu tư, lãi vay cao, không khai thác hết công suất thiết kế. Việc góp vốn đầu tư vào các DN dàn trải, quản lý vốn tại các DN còn nhiều bất cập…

Bộ GTVT cho hay đang dồn sức tái cơ cấu để vực dậy sự phát triển của Vinalines. Ảnh: CTV

Công ty “mẹ” đã có lãi

. Bộ GTVT đã có chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể nào để giúp Vinalines giảm lỗ, trước hết là cân bằng tài chính?

+ Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam xây dựng đề án tái cơ cấu Vinalines. Trong đó, tập trung vào tái cơ cấu đội tàu, tái cơ cấu tài chính, thu gọn quy mô, mô hình tổ chức từ 73 đầu mối xuống còn 37 đầu mối, thoái vốn triệt để tại các DN thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, ngoài ngành kinh doanh chính. Tập trung vào ba lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Sau khi triển khai, Vinalines đã hoàn thành thoái vốn toàn bộ tài sản 32 DN, hoàn thành cổ phần hóa 12/12 công ty, nộp đơn phá sản ba DN (Vinashinlines, Falcon, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau), giải thể bốn, bán thanh lý 20 tàu khai thác không hiệu quả.

Tính đến thời điểm 30-9-2015, số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines đã giảm đi được 5.800 tỉ đồng, còn khoảng 15.018 tỉ đồng. Dự kiến đến 31-12-2015, sau khi tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với hai DN là Vinashinlines và Falcon, số lỗ lũy kế của Vinalines chỉ còn khoảng 3.590 tỉ đồng.

. Còn với công ty mẹ - Vinalines sẽ tiếp tục cơ cấu theo hướng nào để thực sự thoát khỏi điệp khúc “nợ - vay - lỗ”, thưa ông?

+ Đối với công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng, thẩm định phương án cổ phần hóa công ty mẹ - tổng công ty trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, đổi mới quản trị, tăng cường công khai minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bộ đã xây dựng phương án nhà nước sẽ nắm giữ 36% vốn điều lệ, thực hiện bán 64% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư và người lao động.

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ đã được cải thiện rõ rệt, giảm lỗ lớn. Nếu trước đó lợi nhuận sau thuế năm 2013 là -3.087 tỉ đồng, năm 2014 là -384 tỉ đồng thì đến sáu tháng đầu năm 2015 lãi 492 tỉ đồng.

Như vậy, sau gần ba năm tái cơ cấu, Vinalines đã thực thiện được đúng mục tiêu tập trung ngành nghề kinh doanh chính, thu gọn quy mô hoạt động, mô hình tổ chức của DN; cải thiện rõ rệt tình hình tài chính của DN, giảm nợ, xóa lãi, giảm chi phí tài chính, kéo dài thời gian trả nợ phù hợp với tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của DN; chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, không hiệu quả.

. Xin cám ơn ông.

. Ông có thể cho biết Vinalines lỗ tập trung vào những DN nào?

+ Tập trung vào Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) lỗ 8.904 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông lỗ 3.450 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Bắc lỗ 2.478 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam lỗ 2.236 tỉ đồng, Công ty Liên doanh Dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA lỗ 1.186 tỉ đồng, Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA lỗ 1.690 tỉ đồng, Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép lỗ 2.111 tỉ đồng.

Như vậy, kết quả kinh doanh thua lỗ tập trung vào hai DN chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam lỗ 12.354 tỉ đồng, nhóm ba cảng liên doanh (giữa Vinalines, Cảng Sài Gòn và các đối tác Mỹ, Singapore và Đan Mạch) 4.987 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm