Bộ GD& ĐT họp báo: Clip thí sinh quay ngang quay ngửa là thông tin gây nhiễu

Bộ GD&ĐT họp báo chiều 4-6 về kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT 2014.  

Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đường dây nóng năm nay không hề nóng. Chất lượng thi cử năm nay tại các hội đồng thi đều nghiêm túc. Đường dây nóng của Bộ có rất nhiều qua các hình thức như điện thoại, email… nhận được nhiều phản ánh nhưng không có tiêu cực gì.

Chánh Thanh tra Bộ GD& ĐT Nguyễn Lương Bằng cũng cho biết đường dây nóng của Bộ năm nay nhận được 321 cuộc gọi và nhắn tin đa số hỏi các thông tin liên quan, đường đi đến hội đồng thi, giờ này thi môn nào.

Thông tin gây nhiễu

Trước những khúc mắc của phóng viên xung quanh hội đồng thi trường Nam Lương Sơn (Hòa Bình) có phát hiện máy quay lén, việc lộn xộn của thí sinh quay ngang quay ngửa trong phòng thi được chính thầy giáo Đỗ Việt Khoa đăng trên facebook cá nhân của mình, việc ban giám hiệu nhà trường thu tiền 300 ngàn đồng/ học sinh trước kỳ thi, Bộ nhìn nhận và có hướng giải quyết như thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: 

Đối với hội đồng Nam Lương Sơn, sáng ngày 3/6, Bộ cũng đã cử đoàn thanh tra về trường, ghi nhận tình trạng đặt máy quay bên ngoài, Bộ yêu cầu Sở GD& ĐT tỉnh Hòa Bình kiểm tra lại. Đồng thời Bộ khi kiểm tra lại máy quay cũng có ghi nhận thấy tình trạng một vài học sinh quay ngang này nọ nhưng cũng hết sức bình thường, không có gì nghiêm trọng. Đây là những thông tin gây nhiễu, Bộ không đồng tình. Nếu có tiêu cực như vụ Đồi Ngô, hay vụ trường Quang Trung (Hà Đông) thì Bộ sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết không bao che.

Việc nhà trường thu tiền 300 ngàn đồng/học sinh, chính hiệu trưởng nhà trường đã xác nhận với báo chí là để làm tiền ăn trưa cho học sinh, giáo viên, tiền làm phôi thi. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, điều này là trái hoàn toàn với quy định của Bộ, Bộ đã xác minh và yêu cầu nhà trường hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã thu cho phụ huynh trước khi kỳ thi diễn ra.

Cũng về đường dây nóng, Chánh Thanh tra Bộ GD& ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh rằng nếu có những tiêu cực thì sẽ xử lý nghiêm đúng tinh thần khẩn cấp. “Thông tin về trường Nam Lương Sơn, chính thầy giáo Đỗ Việt Khoa gọi vào 10 rưỡi đêm, Bộ đã chỉ đạo thanh tra vào ngay trong đêm”.

Đề bất ngờ để năm sau làm tốt hơn

Xuyên suốt cuộc họp báo, môn Ngữ Văn được đông đảo các phóng viên đặt câu hỏi. Phần nhiều các ý kiến cho rằng đề Văn năm nay khó, vượt sức của học sinh THPT, đề mang tính chất bất ngờ, đánh đố thí sinh, đề văn nhưng ít chất văn, đề với yếu tố “lỗi” của văn bản trong câu hỏi 1…

Ông Hiển cho biết, trong chỉ đạo nói chung của Bộ thì các câu hỏi nâng cao sẽ được nâng dần, phân hóa để cải tiến. Đề đảm bảo yêu cầu năng lực, yêu cầu kiến thức không vượt quá sức học của đa phần học sinh THPT tuy nhiên cũng cần phải có sự phân hóa học sinh. Trong đề thi văn, chọn 1 đoạn văn để đánh giá năng lực đọc hiểu. Không nhất thiết phải là chọn 1 đoạn văn hay mà có khi chọn 1 đoạn văn không hay, sai đấy để cho thí sinh sửa. Chỉ là hình thức ra đề thi, không ảnh hưởng đến chất lượng của đề thi.

Nói về đề văn thiếu chất văn, ông Hiển cho rằng việc giáo viên có ngữ điệu của dạy còn thi vẫn có ngữ điệu của thi.

“Việc đề bất ngờ hay đánh đố thì học sinh rèn luyện kiến thức một cách tổng hợp là tốt, bất ngờ để năm sau làm tốt hơn. Bất ngờ chỉ với những người cố tình không quan tâm đến sự chỉ đạo của Bộ ngay từ đầu năm học. Nếu bất ngờ thì năm sau khỏi bất ngờ”- ông Hiển cho biết.

Trước ý kiến của phóng viên cho rằng việc 1 thí sinh thi môn Sử trong môn tự chọn liệu có tiến tới học tự chọn hay không, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định học sinh phổ thông đang phân hóa theo định hướng nghề nghiệp. Học tự chọn, thi tự chọn là hướng làm tốt hơn. “Việc thi với việc học không đồng nghĩa với việc một người học 1 người thi. Trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới sẽ có những môn bắt buộc, những môn tự chọn. Nhưng không phải tất cả các môn tự chọn, bắt buộc đều mang ra thi. Đây là lộ trình lâu dài, toàn diện”.

Cân nhắc mời chuyên gia đưa ra đáp án

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến cũng phản ánh về việc đổi mới kỳ thi như thí sinh thi có 4 môn nhưng hội đồng coi thi vẫn phải coi đến 8 môn, gây ra sự mất cân đối, mệt mỏi trong việc phân bố thời gian cho cả hội đồng. Đặc biệt thi cả hội đồng chỉ phục vụ một thí sinh thi môn Sử.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đây là năm mới cải cách nên tất nhiên cần phải hoàn thiện. Chuẩn bị kỳ thi, nhiều Sở GD đã phản ánh việc ít thí sinh thi trong một hội đồng thi, Bộ đã chỉ đạo hướng giải quyết: nếu thí sinh đồng ý thì gửi thí sinh sang hội đồng bên cạnh, nếu không thì vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn áp dụng máy móc, không linh hoạt.

Trong cuộc họp báo, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: “Đáp án thì Bộ đang cân nhắc để các chuyên gia đưa ra các hướng dẫn chấm tốt nhất đến các địa phương, khi nào có sẽ gửi cho báo chí ngay. Đồng thời vẫn giữ nguyên các thang điểm”.

Trước câu hỏi rằng nếu kỳ thi năm nay chất lượng lại cán đích thì liệu Bộ có nên tổ chức một kỳ thi như thế này vào các năm tiếp theo. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: ”Mục đích của kỳ thi này để đảm bảo cho người học, nâng cao chất lượng học chứ không phải là đặt ra bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp”.

Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, cho đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 trên cả nước đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng yêu cầu bước đầu đổi mới thi.

Tỷ lệ thí sinh dự thi cao, trên 99,50%.

Trên phạm vi toàn quốc, số thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ là 11 thí sinh (10 thí sinh hệ GDTX, 1 thí sinh hệ THPT), cả nước không có giám thị bị đình chỉ công tác thi.

Toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, thành lập 2.352 Hội đồng coi thi, huy động 115.905 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi

Huy Hà- Yến Hoa

.                                                            

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm