Bộ Công Thương nói về chất lượng cột điện bị gãy đổ trong bão

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2020 diễn ra vào chiều 2-10, một số cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về chất lượng của nhiều cột điện bị gãy, đổ trong lần bão số 5 đổ bộ vào miền Trung vừa qua.

Một cột điện gãy ở Huế khi bão đi qua. Ảnh: ND

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết theo số lượng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo thì có hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế thuộc quản lý và vận hành của Tổng công ty điện lực miền Trung bị đổ, gãy do ảnh hưởng của bão. Hậu quả gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Trị.

Theo ông Hải, sau khi xảy ra sự cố trên thì ngay khi bão chưa kết thúc, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có EVN vào cuộc giải quyết, khắc phục nhanh chóng.

Nhờ vậy, chỉ trong ba ngày đã khắc phục xong sự cố, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng, đảm bảo cho sản xuất và tiêu dùng.

Về chất lượng cột điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, tư vấn, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.

Về quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách, đã kịp thời ban hành công văn số 4777 ngày 2-10 về tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm, sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không để yêu cầu tất cả công trình có liên quan phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra, khắc phục tốt nhất thiệt hại do bão gây ra.

Còn trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực về điện, cùng với chủ sở hữu của EVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý các điểm xung yếu. Từ đó hạn chế tác động của các cơn bão.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị liên quan không những của điện lực Việt Nam mà kể cả các doanh nghiệp sản xuất, vận hành trong ngành điện phải lưu ý thực hiện đúng theo quy định” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm