Bộ Công an đề nghị sổ hộ khẩu hết giá trị từ 1-7-2021

Sáng 10-8, tại phiên họp thứ 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Đáng chú ý, một trong những vấn đề lớn cơ quan thẩm tra dự án Luật xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo liên quan đến thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Lo ngại về các điều kiện để bỏ “hộ khẩu giấy”

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới. Tuy nhiên, có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lý dân cư như đề xuất của Chính phủ. Trong khi có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của Luật từ 1-7-2021 là “không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế”. 

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan qua hệ thống các Cơ sở dữ liệu và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay.

Tuy nhiên, để áp dụng phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật này, Uỷ ban Pháp luật cho rằng cần ít nhất hai điều kiện cơ bản.

Thứ nhất, phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Thứ hai, tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của Luật (cơ quan Công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng; cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia. 

“Theo kết quả khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật thì vẫn còn khá nhiều ý kiến lo ngại về việc bảo đảm thực hiện các điều kiện nói trên” - ông Tùng nói.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư; một số phiếu đã thu thập nhưng còn sai sót, thiếu thông tin, hoặc chưa đạt yêu cầu; việc trang bị máy tính, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho Công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế...

Chẳng hạn, khảo sát tại các địa phương đều cho rằng việc trang bị cho mỗi xã, phường, thị trấn một máy tính để làm việc là không đủ. Quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết để nhập dữ liệu thông tin về dân cư, Quận này phải huy động hàng trăm máy tính của các trường phổ thông trên địa bàn…

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung công việc như đã cam kết, báo cáo với Quốc hội nhằm bảo đảm để Luật có thể có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021. 

“Trường hợp không thể hoàn thành theo thời gian nói trên, đề nghị Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này” - ông Tùng nói thêm.

Bỏ hộ khẩu giấy: Cần lộ trình đến hết 31-12-2025

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Bộ Công an đề xuất sổ hộ khẩu, tạm trú hết giá trị từ 1-7-2021 nhưng Thường vụ Quốc hội cho là cần lộ trình. Ảnh minh họa

“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy ý kiến trên của đại biểu là xác đáng” - ông Tùng cho biết. Theo ông Tùng, kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành.  

“Nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú” - ông Tùng nói.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp. Trong đó cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết 31-12-2025.

Mốc 31-12-2025 là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện; 100% Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa, lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia…

Trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, ở những nơi đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hệ thống các Cơ sở dữ liệu quốc gia, công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính. 

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này. 

Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lý, ông Tùng cho biết: “Cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1-7-2021, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới và Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy