Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Không làm giảm chất lượng cán bộ

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức văn thư. Điểm đáng chú ý của thông tư này là việc chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Cán bộ Khu vực 3 TP Thủ Đức, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính
cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bãi bỏ là điều hợp lý

Một cán bộ phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết anh hoàn toàn đồng ý với việc Bộ Nội vụ bãi bỏ các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học của công chức chuyên ngành hành chính và văn thư.

“Hiện các cơ sở đào tạo đã có quy định về chuẩn đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Mặt khác, ngạch chuyên viên cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác, có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên” - vị cán bộ này phân tích.

Còn theo một lãnh đạo phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với hai đối tượng trên là hoàn toàn hợp lý. Vị này cho biết hiện nay khi sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hay đại học đều đòi hỏi phải có bằng Anh văn, vi tính. Và đây cũng là cơ sở để đánh giá phần nào mặt nghiệp vụ của công chức.

“Dù bỏ chứng chỉ thì khi tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng vẫn kiểm tra nghiệp vụ của người ứng tuyển để nắm rõ trình độ đến đâu, từ đó có đánh giá và phân bổ công việc hợp lý hoặc quyết định có tuyển dụng hay không” - vị này nói và cho rằng việc buôn bán các chứng chỉ giả hiện đang tràn lan trên thị trường. Nếu cứ đòi hỏi bằng cấp thì càng xuất hiện nhiều văn bằng, chứng chỉ giả nhằm đáp ứng khẩn cấp nhu cầu tìm việc.

Ngoài ra, vị này cũng nhìn nhận việc bỏ bớt chứng chỉ sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Bởi nếu đòi hỏi chứng chỉ thì cán bộ, công chức phải bỏ thời gian, kinh phí để đi học trong khi công việc thực tế ở địa phương rất nhiều.

Cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, một lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức nhận định việc này sẽ giúp giảm rất nhiều gánh nặng về mặt thủ tục hành chính đối với cán bộ, công chức, người thi tuyển; giúp đội ngũ công chức, viên chức bớt áp lực về văn bằng, chứng chỉ…

Vị này cũng đặt ra một vấn đề là khi bãi bỏ hai chứng chỉ trên, cơ quan tuyển dụng bắt buộc phải kiểm soát được trình độ, chất lượng của người tham gia thi tuyển. “Nhân sự phải đáp ứng trình độ theo yêu cầu thì mới được nhận chứ không phải chỉ có chứng chỉ là xong” - vị lãnh đạo nhìn nhận.

Cần sớm có hướng dẫn thực hiện chi tiết

Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Nội vụ quận 1, cho biết trong thực tế ngay từ khâu tuyển dụng, ngoài bằng cấp chuyên môn đáp ứng vị trí việc làm thì các ứng viên bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Trong khi đó, ngoại ngữ và tin học là môn học bắt buộc trong các trường cao đẳng, đại học. Khi tốt nghiệp các trường sẽ cấp cho sinh viên giấy chứng nhận hoàn thành chương trình ngoại ngữ hay chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin với năng lực tương đương trình độ được đào tạo. “Như vậy, việc phải có thêm chứng chỉ ngoại ngữ và tin học vô tình tạo nên sự trùng lắp trong đào tạo, tốn kém thời gian và phần nào tạo tâm lý áp lực cho đội ngũ” - bà Tuyết cho hay.

Cũng theo bà Tuyết, việc thông tư của Bộ Nội vụ không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng không làm giảm chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Bởi trong thông tư vẫn có quy định ràng buộc tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể ứng với từng ngạch công chức.

Tuy nhiên, theo trưởng Phòng Nội vụ quận 1, việc thẩm định trình độ kỹ năng ngoại ngữ và tin học như thế nào để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm thì cần có quy định, hướng dẫn cụ thể. “Chỉ các cơ sở đào tạo mới có thể thẩm định các kỹ năng này” - bà Tuyết nói và đề nghị Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn chi tiết để thực hiện thống nhất trong thời gian tới.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND quận Bình Tân khẳng định: “Đây là một điểm mới so với các quy định trước đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ứng viên tham dự kỳ thi tuyển công chức hành chính do TP tổ chức”.

Lãnh đạo quận Bình Tân thông tin thời gian qua, UBND quận đã chỉ đạo, quán triệt và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức học tập, hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo đạt các tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định. Tới đây, khi Thông tư 02/2021 có hiệu lực, UBND quận sẽ tiếp tục quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ TP, đảm bảo thực hiện đúng quy định.•

 

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiết kiệm hàng ngàn tỉ

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 18-6, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ, cho biết quy định không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính đã nhận được sự hưởng ứng, tán đồng của đại bộ phận. “Việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ có thể tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng, chưa kể đến chi phí thời gian và chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp trong quá trình phải đi học” - ông Long nói.

Ông Nguyễn Tư Long cũng thông tin rõ hơn về việc Thông tư 02 chỉ giới hạn đối với công chức hành chính. Theo đó, thực hiện quy định về phân cấp thì đội ngũ công chức hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Các đội ngũ công chức chuyên ngành khác và đặc biệt là đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ chuyên ngành.

“Bộ Nội vụ đã báo cáo và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo các bộ khẩn trương rà soát các thông tư quy định tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ. Đặc biệt, đối với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì đề nghị cắt giảm; đối với những chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng phải tích hợp lại theo hướng thu gọn nhất” - ông Long nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm