Bình Thuận: Thuốc quá hạn tiền tỉ nằm trong kho bệnh viện

Ngày 6-7, Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận công bố kết luận thanh tra những sai phạm của bệnh viện này.

Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận

Theo kết luận thanh tra, bệnh viện có 22 khoa phòng với hơn 300 cán bộ, bác sĩ, nhân viên. Từ năm 2017 đã có nhiều đơn tố cáo  Giám đốc Trần Văn Cường và Trưởng Khoa dược bệnh viện Thạch Ngọc Trình có nhiều sai phạm, buông lỏng quản lý, bao che, dung túng cho cấp dưới làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và các hoạt động khác của bệnh viện.

Theo kết luận, Khoa Dược đã tham mưu xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện không theo nhu cầu điều trị hợp lý của các khoa lâm sàng, không dựa vào mô hình bệnh tật của địa phương, cơ cấu bệnh tật do bệnh viện thống kê hàng năm. Từ đó dẫn đến một số thuốc mua ngoài dự trù, nhu cầu sử dụng thấp nhưng lại mua sắm nhiều, để tồn kho có giá trị cao. Trong khi đó, một số thuốc các khoa lâm sàng có nhu cầu sử dụng, cần thiết phục vụ điều trị cho bệnh nhân nhưng khoa dược không cung cấp kịp thời, thiếu thuốc điều trị trong một số thời điểm.

Việc mua sắm thuốc có cùng công dụng nhưng mua loại biệt dược giá cao và hiện còn tồn kho một lượng lớn những thuốc này và phần nhiều sẽ không dùng hết vì sắp quá hạn sử dụng. Đặc biệt năm 2015 mua gần 27 tỷ đồng tiền thuốc nhưng năm 2016 lại mua hơn 44 tỷ đồng như vậy mua vượt kế hoạch đề ra hơn 12 tỷ đồng , vượt 45,59 %.

Đáng chú ý là giai đoạn từ năm 2006 - 2013, không cung cấp được tài liệu, chứng từ, chứng minh được Hội đồng kiểm nhập, thực hiện kiểm nhập thuốc. Từ năm 2014 - 2017 mới thực hiện việc kiểm nhập, nhưng việc kiểm nhập không đúng quy định với giá trị gần 20 tỷ đồng.

Chỉ trong năm 2014, Khoa dược tiến hành kiểm kê đã phát hiện thuốc thiếu, thừa, hết hạn sử dụng tại kho tổng so với sổ sách có giá trị gần 900 triệu đồng. Nghiêm trọng nhất là khi phát hiện thuốc hết hạn sử dụng nhưng trưởng khoa Dược không có ý kiến gì để xử lý...

Xe cứu thương tháo hết băng ca phía sau rồi thay ghế vào để sử dụng việc riêng

Theo kết luận thanh tra, việc cung ứng vật tư y tế không căn cứ, không phù hợp theo dự trù của các khoa mà chỉ mua theo chỉ đạo của trưởng khoa như: Dự trù ít, nhưng mua nhiều, không dự trù mà vẫn mua... dẫn đến tồn kho và hết hạn sử dụng với số lượng rất lớn.

Đối với hợp bệnh nhân Đặng Thị Hà: Theo phản ánh, khi bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng sinh (Ceftazidin) thì hết thuốc, phải chuyển sang loại kháng sinh khác không đáp ứng làm cho bệnh trạng nặng thêm. Về vấn đề này, chưa có cơ sở để xác định việc bệnh nhân đang được chỉ định sử dụng loại thuốc kháng sinh này, khi thay loại kháng sinh khác (do thiếu thuốc) thì không đáp ứng. Tuy nhiên, việc cung ứng mua sắm thuốc chưa kịp thời dẫn tới việc thiếu thuốc kháng sinh để điều trị liên tục cho bệnh nhân theo phác đồ có trách nhiệm của Khoa Dược.

Thanh tra yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Thạch Ngọc Trình, Trưởng Khoa dược, với những hạn chế, sai sót nêu trên do thiếu tinh thần trách nhiệm qua nhiều năm làm công tác quản lý dược trong bệnh viện. Qua kiểm điểm nếu đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật thì thực hiện trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời ông Thạch Ngọc Trình phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với số vật tư y tế tiêu hao, thuốc hết hạn sử dụng tương ứng số tiền hơn 130 triệu đồng đồng.

Thanh tra cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và quy trách nhiệm bồi thường vật chất đối với những cá nhân có liên quan của Khoa dược trong việc để xảy ra các hạn chế sai sót.

Cạnh đó, Thanh tra đề nghị Sở Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của ông Trần Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Bình Thuận (với tư cách người đứng đầu) liên quan đến các sai phạm: Trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Khoa dược; việc sử dụng xe cứu thương biển số 86B 0336 sai mục đích trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2017; việc có Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm lại ông không phù hợp về hình thức, nội dung. Đồng thời, yêu cầu ông Cường rút kinh nghiệm nghiêm túc trong việc ứng xử với viên chức thuộc quyền quản lý, việc trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan với Ban lãnh đạo. Qua kiểm điểm nếu đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật thì thực hiện trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, rà soát lại các tiêu chuẩn, điều kiện có liên quan việc công nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với ông Thạch Ngọc Trình và ông Trần Văn Cường từ năm 2011 đến nay để giải quyết cho phù hợp, tránh khiếu kiện, thắc mắc trong nội bộ. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bệnh viện cần chấn chỉnh, rút kinh nhiệm về các hạn chế, thiếu sót trong việc bình xét thi đua, khen thưởng. Bệnh viện cần lưu ý trong việc xác lập các biên bản có liên quan đến việc niêm yết công khai danh sách người đủ tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng để đảm bảo chặt chẽ hơn trong thủ tục niêm yết.


Theo kết luận Thanh tra, trong lúc Đảng ủy Sở Y tế, Ban Giám đốc Sở Y tế tiến hành họp bàn, có văn bản xin chủ trương của cấp có thẩm quyền liên quan việc bổ nhiệm lại ông Trần Văn Cường thì ông này thể hiện nguyện vọng cá nhân bằng Tờ trình xin tiếp tục làm Giám đốc đến khi nghỉ hưu là không phù hợp về hình thức và nội dung. Từ đó đã gây bức xúc cho viên chức của Bệnh viện về việc ông Trần Văn Cường tự ý làm Tờ trình (tự ý ký tên, đóng dấu) đề nghị cấp trên bổ nhiệm lại ông mà không thông qua Đảng ủy, tập thể lãnh đạo, tập thể cán bộ chủ chốt của Bệnh viện.

Đối với không sử dụng xe cứu thương 86B 0336 chuyển bệnh nhân đi cấp cứu mà sử dụng cho cá nhân sai mục đích trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2017 mà Pháp Luật TPHCM đã phản ánh là chính xác.

Ông Trần Văn Cường có trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo xây dựng và ký ban hành quy chế sử dụng xe cứu thương vào việc đi công tác sai quy định; trách nhiệm liên đới là của tập thể Ban lãnh đạo bệnh viện đã thống nhất với quy chế trên, không nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để vi phạm kéo dài nhiều năm.

Thanh tra yêu cầu Bệnh viện phải thu hồi tiền xăng của ông Cường và những người đã sử dụng xe vào việc riêng nộp trả kinh phí cho bệnh viện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm