Bình Thuận nói về thông tin 'bệnh lạ' gần nơi khai thác titan

Ngày 1-10, tin từ Sở TN&MT Bình Thuận cho biết sở này vừa có cuộc họp công bố kết quả kiểm tra an toàn bức xạ và “bệnh lạ” tại khu vực khai thác titan trên địa bàn khu phố Suối Nước, phường Mũi Né, TP Phan Thiết.

Người dân phát biểu ý kiến tại cuộc họp kiểm tra an toàn bức xạ và “bệnh lạ”.

Theo ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, từ phản ánh của người khu phố Suối Nước, các cơ quan chức năng đã kiểm tra an toàn bức xạ tại khu vực khai thác, chế biến và khu vực môi trường cận kề.

Qua phân tích mẫu nước tại các ao hồ, giếng khoan dùng tưới cây và sinh hoạt cho thấy các mẫu này nằm trong giới hạn cho phép theo các Quy chuẩn của Việt Nam.

Liên quan đến thông tin phản ánh về “bệnh lạ”như bong tróc móng tay, qua khảo sát các hộ sinh sống tại khu phố Suối Nước ngày 23-9 do Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết chủ trì, không thấy có trường hợp mắc bệnh nào.

Theo báo cáo, tại khu vực Suối Nước có hai đơn vị gồm Công ty TNHH Phú Hiệp và Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn được Bộ TN&MT cấp giấy phép để khai thác khoáng sản titan-zicon. Hiện nay, hai công ty này dừng hoạt động khai thác khoáng sản để khắc phục các tồn tại như: khai thác chưa đúng thiết kế mỏ được phê duyệt; lập bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản chưa đầy đủ thông tin; sử dụng đất làm bãi thải khi chưa thực hiện thủ tục thuê đất…

Công ty TNHH Phú Hiệp được Bộ TN&MT cấp phép vào tháng 11-2010, đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo, phục hồi môi trường được Bộ phê duyệt. Đến nay công ty đã khai thác xong hai moong và đã tiến hành trồng cây phi lao trên diện tích khoảng 45 ha. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân trong vùng dự án, công ty đã xây dựng hệ thống cấp nước Long Sơn Suối Nước để cấp nước sạch cho người dân. Đến nay, có khoảng 500 khách hàng lắp thủy kế với lượng nước sử dụng bình quân gần 400 m3/ngày, chất lượng nước phục vụ cho sinh hoạt đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế.

Quang cảnh cuộc họp công bố kết quả

Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn thì được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác khoáng sản vào tháng 3-2013. Tuy nhiên Công ty này vẫn còn một số tồn tại vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cụ thể Công ty chưa đủ điều kiện khai thác khoáng sản nhưng đã khai thác hơn 10.000 tấn với lý do là “vận hành để máy móc khỏi rỉ sét”.  Tổng cục Khoáng sản đã yêu cầu công ty này dừng ngay hoạt động “thử nghiệm” trong khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Được biết công ty này còn bị xử phạt với số tiền 125 triệu đồng.

Tại cuộc họp, nhiều người dân kiến nghị cần kiểm tra lại việc khai thác titan hiện nay ở địa phương và có trả lời cụ thể cho người dân rõ để yên tâm sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra người dân còn đề nghị các công ty phải lấp các moong đã khai thác xong và tiến hành trồng cây để hạn chế tình trạng cát bay làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của họ.

Theo ông Hồ Lâm, đối với tình trạng cát bay ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân thì cần lập đoàn kiểm tra, theo dõi, xác định nguyên nhân thì mới đủ cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo.

Ông Hồ Lâm cho biết đã tiếp thu các ý kiến, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá từng vấn đề cụ thể. Đồng thời, tiếp tục theo dõi quá trình khai thác titan trên địa bàn tỉnh nói chung và tại khu vực Suối Nước nói riêng; theo dõi việc khắc phục các tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác titan của hai đơn vị trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm