Bình Phước: Xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng

Xác định được tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Phước đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng ngàn kilomet đường. Trong đó có các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, quốc lộ 14, ĐT741, ĐT759…

Hàng loạt tuyến đường giao thông trọng điểm được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhằm kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM và Campuchia.

Mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường huyết mạch

Theo ông Trần Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước, với sự quan tâm của lãnh đạo trung ương và lãnh đạo tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông hiện hữu được nâng cấp, mở rộng. Ngoài ra, một số tuyến đường mới cũng được đầu tư xây dựng.

Trong đó, các tuyến đường huyết mạch mang tính kết nối vùng được chú trọng xây dựng giúp cho việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng và các địa phương trên địa bàn tỉnh được thuận lợi hơn. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Bình Phước ngày một phát triển.

“Các tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM và Campuchia được nâng cấp, mở rộng đã góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh Bình Phước. Đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư về Bình Phước đầu tư tại các khu công nghiệp” - ông Việt cho biết.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã nhựa hóa được khoảng 63,8% các tuyến đường giao thông. Trong đó, các tuyến đường tỉnh lộ và quốc lộ nhựa hóa 100%, đường huyện nhựa hóa 52,7%, đường đô thị nhựa hóa 81,9% và đường xã, đường chuyên dùng nhựa hóa 57,9%.

Toàn tỉnh cũng xây dựng được hơn 6.900 km đường. Trong đó có hơn 3.900 km đường giao thông nông thôn được triển khai theo cơ chế Nhà nước và người dân cùng làm.

Huyện Đồng Phú (Bình Phước) khởi công xây dựng năm dự án đường kết nối từ đường ĐT741 vào các khu công nghiệp của tỉnh. Ảnh: LÊ ÁNH

Khởi công hàng loạt tuyến đường trọng điểm

Mới đây, nhiều dự án đường giao thông trọng điểm tại Bình Phước cũng được đầu tư xây dựng.

Cụ thể, ngày 22-9, tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng tuyến đường phía tây quốc lộ 13 kết nối huyện Chơn Thành đi cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh. Tuyến đường này dài khoảng 50 km, có tổng diện tích 326 ha, mặt đường rộng 22 m. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 965 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Huyện Đồng Phú cũng khởi công xây dựng năm dự án đường kết nối từ đường ĐT741 vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và khu quy hoạch Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng. Dự án có tổng chiều dài hơn 24 km, tổng vốn đầu tư trên 150 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Các dự án này sau khi đưa vào khai thác sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện lưu thông và giao thương hàng hóa. Đặc biệt là trục TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước đến khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và Campuchia.

Ông Trần Việt Hùng cho biết trong thời gian tới, Sở GTVT tỉnh Bình Phước sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND làm việc với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Tây Ninh để thống nhất kiến nghị phương án đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

“Việc xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch mang tính chiến lược kết nối vùng nhằm phát triển kinh tế tỉnh Bình Phước nói riêng và cả vùng kinh tế phía Nam nói chung” - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước thông tin.

Tám công trình giao thông trọng điểm

Để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, Bình Phước đang tập trung xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng đường giao thông phía tây quốc lộ 13, kết nối huyện Chơn Thành - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh). Số vốn đầu tư 450 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Số vốn đầu tư 550 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Xây dựng tuyến đường ĐT752B đoạn qua quốc lộ 14 đi Minh Hưng. Số vốn đầu tư 550 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Xây dựng tuyến đường ĐT753B đoạn qua các huyện Phú Riềng, Bù Na, Nam Cát Tiên. Số vốn đầu tư 500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Nâng cấp tuyến ĐT760 từ Thọ Sơn đến trung tâm huyện Bù Gia Mập. Số vốn đầu tư 500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Xây dựng đường vành đai TP Đồng Xoài, từ Khu công nghiệp Đồng Xoài 1 đến đường Phú Riềng Đỏ. Số vốn đầu tư 450 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Nâng cấp đường quốc lộ 13 đoạn vào Khu công nghiệp Việt Kiều. Số vốn đầu tư 450 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Xây dựng đường cặp theo đường dây 500 kV đoạn TP Đồng Xoài - huyện Đồng Phú. Số vốn đầu tư 180 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm