Biệt phủ sinh thái nhà quan ‘xẻ’ rừng Vân Đồn

Thời gian qua, dư luận ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) xôn xao rất nhiều về biệt phủ sinh thái của gia đình một cán bộ Tỉnh ủy Quảng Ninh được xây dựng trên đất đồi rừng với nhiều công trình hoành tráng.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, PV Pháp Luật TP.HCM đã lần theo con đường xuyên đảo Cái Bầu (huyện Vân Đồn) tới khu vực thôn 6, xã Hạ Long. Từ đây rẽ theo con đường bê tông về phía chân núi khoảng 400 m, một khu biệt phủ đồ sộ hiện ra giữa rừng núi với tường cao bao phủ, trụ cổng đá đã nhuốm rêu phong, trên phủ dây leo…

Biệt phủ trên đất rừng

Bước qua trụ cổng đá có gắn tấm biển kim vàng với dòng chữ “Công ty TNHH MTV Vân Đồn Farm”, bên trong là một quần thể nhiều công trình chiếm trọn một khoảnh đồi hàng chục hecta, chạy từ chân lên tới lưng chừng núi.

 Cả khu đồi đã được đào khoét, cải tạo chia thành từng tiểu khu. Ẩn mình bên những tàng cây là những tòa ngang dãy dọc mang phong cách phương Đông với cột kèo, mái ngói đỏ chót.

Phía trái của cánh cổng, khu vườn kiểng như một “vườn thượng uyển” rộng cả ngàn mét vuông với hàng trăm cây kiểng được cắt tỉa công phu. Xen giữa những vườn kiểng là những ô trồng hoa bên thảm cỏ xanh rì dưới tán thông cao vút.

Trung tâm của biệt phủ là căn nhà sàn gỗ mái ngói đồ sộ với chi chít cột gỗ chia tòa nhà thành các khu phòng. Đầu hồi là một nhà sàn khác ghép vào tòa nhà sàn “khủng” này tạo thành một quần thể choáng ngợp. Trước mặt và sau lưng của nó đều có vườn kiểng. Rải rác quanh khu biệt phủ sinh thái là những căn nhà kiểu bungalow (kiểu nhà có nguồn gốc từ Ấn Độ) hòa mình vào thiên nhiên.

Đi sâu vào trong là những công trình sân vườn, lầu vọng cảnh phía dưới có bàn ghế như để thưởng trà. Đan xen giữa các công trình là ba hồ nước trên núi có bờ kè đá, phía trên mặt có cầu đá bắc qua giống như một sơn trang với đủ loại cỏ cây, hoa lá.

Lúc chúng tôi tới, một nhóm thợ đang đào khoét, kè đá dựng thêm một hồ nước nữa. Từ chân núi có những con đường bê tông nhỏ xếp thành bậc thang “xẻ” lên sườn đồi loang lổ, có chỗ cày xới trơ màu đất rừng. Trên đỉnh là hai công trình nhìn tựa khu từ đường mái vòm đỏ chót.

Từ biệt phủ nhìn ra, toàn bộ cảnh quan vịnh Bái Tử Long hiển hiện trước mắt.

Khu trung tâm biệt phủ nhìn từ trên cao với tòa ngang dãy dọc trong khuôn viên vườn kiểng, hồ nước. Ảnh: Đỗ Hoàng

Để xây dựng tòa biệt phủ, khu rừng đã bị san bạt, cày xới để làm các tiểu cảnh. Ảnh: Đỗ Hoàng

Dự án của gia đình phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, chủ nhân khu biệt phủ sinh thái này là ông Bùi Hạ Long, chồng bà Vũ Thị Dung, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh. Toàn bộ khu biệt phủ này rộng hơn 23 ha, trong đó gần 19 ha được gia đình ông Long, bà Dung mua lại đất của dân và hơn 3 ha huyện Vân Đồn giao thêm…

Điều đáng nói, chính huyện Vân Đồn đã phê duyệt đề án phát triển mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái cho gia đình ông Long, bà Dung từ năm 2009, trùng với thời điểm Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn. Từ năm 2009 đến 2011, gia đình ông Long, bà Dung đã xẻ rừng biến nó thành biệt phủ sinh thái hoành tráng nhưng gần như không vấp phải ngăn cản nào từ chính quyền huyện này.

Mãi đến năm 2011, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh vào cuộc mới phát hiện sai phạm trong sử dụng đất ở biệt phủ này và yêu cầu dừng ngay việc xây dựng, giữ nguyên hiện trạng, chờ chỉ đạo mới của cấp có thẩm quyền.

Thực hiện kết luận của thanh tra tỉnh, UBND huyện Vân Đồn đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án dừng việc đầu tư xây dựng, giữ nguyên hiện trạng đất đai.

UBND huyện Vân Đồn cho hay từ năm 2011 ông Bùi Hạ Long đã dừng các việc đầu tư xây dựng, chỉ quản lý, trồng, bảo vệ rừng, tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, thủ tục đầu tư xây dựng.

Và tiếp tục triển khai... sau khi “mặc áo mới”

Sau kết luận của thanh tra tỉnh, dù biết rõ việc xây dựng công trình trên đất rừng kia là trái pháp luật nhưng huyện Vân Đồn không ra bất kỳ quyết định xử phạt nào đối với chủ đầu tư dự án.

Đùng một cái, đến tháng 3-2016, khi hàng loạt dự án “khủng” được triển khai để biến Vân Đồn thành “đặc khu hành chính-kinh tế”, ông Bùi Hạ Long thành lập Công ty TNHH MTV Vân Đồn Farm, xin làm dự án sinh thái.

Theo đó, dự án đầu tư trồng rừng, trang trại kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng này nằm trọn trên diện tích hơn 23 ha của biệt phủ từ nhiều năm trước. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 143 tỉ đồng, được quy hoạch thành các khu resort, công trình phụ trợ, công viên cảnh quan, công viên rừng, đường giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hạ Long cho biết ông chính là đại diện pháp luật cho Công ty Vân Đồn Farm.

Theo UBND huyện Vân Đồn, đến nay Công ty TNHH Vân Đồn Farm đã triển khai hoàn thiện các thủ tục lập dự án trình duyệt theo quy định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Phê duyệt quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư; phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở; phê duyệt đề án bảo bệ môi trường; đã được UBND tỉnh giao đất thực hiện dự án.

Theo tài liệu thu thập được, đến tháng 10-2017, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Vân Đồn Farm do ông Bùi Hạ Long làm đại diện pháp luật thực hiện dự án trên.

Và ngay trong cuối năm 2017, huyện Vân Đồn ra quyết định thu hồi đất. Sau đó tỉnh Quảng Ninh ra quyết định cho chính chủ nhân của nó thuê đất làm dự án vào ngày 13-2 vừa qua.

Vậy là biệt phủ được dựng lên trên 23 ha rừng đã được hợp thức hóa đúng thời điểm Vân Đồn đang đón chờ lên “đặc khu”.

Xây dựng trên đất rừng là trái luật

Ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết việc gia đình ông Long, bà Dung xây dựng các công trình trên đất rừng là trái pháp luật.

Trả lời câu hỏi “huyện thu hồi đất của gia đình ông Long, bà Dung để tỉnh cho Công ty Vân Đồn Farm của chính nhà ông này thực hiện dự án có phải là hợp thức hóa sai phạm không?”, ông Hưng nói: “Tôi không trả lời được”.

Theo UBND huyện Vân Đồn, tới năm 2011, chủ biệt phủ đã xây dựng nhiều công trình trên diện tích 4 ha rừng gồm: Hai nhà gỗ hai tầng rộng 280 m2, một nhà sàn bê tông hai tầng rộng 180 m2, hai hồ sinh thái rộng 300 m2, hai cây cầu, ba chòi vọng cảnh, một nhà bảo vệ kết hợp nhà ở công nhân hai tầng rộng 120 m2. Ngoài ra, nhiều diện tích rừng còn bị cải tạo thành vườn cây kiểng, sân đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm