Biến đổi khí hậu không phải lý do chính gây ngập lụt

Theo TS Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn (Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị - nông thôn, Bộ Xây dựng), ngập lụt tại TP.HCM đặc biệt trở nên nghiêm trọng từ khoảng 10 năm trở lại đây. TP đã cơ bản hoàn thành bốn dự án lớn về thoát nước và vệ sinh môi trường, bước đầu kéo giảm số điểm ngập do mưa từ 126 điểm (2008) xuống còn 31 điểm (2011). Tuy nhiên, các điểm ngập tại khu vực ngoại vi lại có xu hướng tăng lên. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Ông Cường chỉ ra năm nguyên nhân gây ngập lụt tại TP. Đó là do địa hình và điều kiện khí tượng, thủy hải văn; do đô thị hóa thiếu kiểm soát; do công tác quản lý đô thị chưa tốt; do ý thức của người dân chưa cao và cuối cùng mới là yếu tố BĐKH và nước biển dâng. Theo ông Cường, các nghiên cứu cho thấy thực tế có 75% điểm ngập tại TP có cao độ lớn hơn 2,5 m và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40 mm, bất chấp mực nước ở Trạm Phú An trên sông Sài Gòn thấp hay cao. Điều này có nghĩa phần lớn các điểm ngập hiện nay bị ngập không vì lý do địa hình thấp hay mức nước của sông Sài Gòn lên cao. Tuy nhiên, về lâu dài cũng không thể xem nhẹ những tác động của BĐKH.

“Để chống ngập cần phải giải quyết từ nguyên nhân chính là quy hoạch. Việc chống ngập và thích ứng với BĐKH thông qua quy hoạch đô thị phải được nghiên cứu từ bài toán tổng thể cho đến thiết kế chi tiết cho từng khu đô thị, từng công trình theo hướng tiếp cận mềm dẻo, tôn trọng tự nhiên” - ông Cường đề xuất.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm