Biển báo giao thông gây ngơ ngác

“Tôi thường nhận được nhiều tin nhắn của người dân phản ánh tình trạng biển báo giao thông rối loạn khiến họ chẳng biết chạy đường nào. Do đó cần rà soát, điều chỉnh để đưa hệ thống biển báo vào quy chuẩn” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Chẳng biết đi sao mới đúng

Trên đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn gần ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, có biển hướng dẫn đặt cách mặt đất 1,8 m. Trên biển chỉ hướng đi thẳng từ quận 7 sang quận 4 (qua cầu Tân Thuận 1) và hướng rẽ trái sang đường Nguyễn Văn Linh (đi một đoạn thì cấm đi ngược lên cầu Tân Thuận 2 để qua quận 4), không có chỉ dẫn hướng đi tiếp về quốc lộ 1(ảnh 1).

Thế nhưng chỉ cách vài chục mét lên sát ngã ba, trên cần vươn gắn đèn xanh - vàng - đỏ lại có tấm biển khác chỉ dẫn hướng đi thẳng qua quận 4 và rẽ trái theo đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ 1 (ảnh 2).

Anh Hoàng Tuấn, ngụ quận 7, một lần lái xe bốn chỗ từ đường Huỳnh Tấn Phát rẽ trái sang Nguyễn Văn Linh rồi định đi theo đường bên hông cầu Tân Thuận 2 để ra lại đường Trần Xuân Soạn thì bị CSGT bắt lỗi đi vào đường ngược chiều. Anh Tuấn cho rằng mình không đi ngược lên cầu Tân Thuận 2 mà đi bên hông cầu theo đúng quy định và theo đúng chỉ dẫn của biển báo trên cần vươn. Tuy nhiên, CSGT cho rằng tấm biển đặt cách mặt đất 1,8 m đã cấm đi ngược chiều theo hướng lên cầu Tân Thuận 2, anh Tuấn dù chưa đi lên cầu nhưng đã đi vào đầu đường dẫn nên cũng vi phạm.

Không tâm phục khẩu phục, anh Tuấn thắc mắc vì sao hai tấm biển nằm cách nhau chưa tới chục mét nhưng lại có cách hiểu, thi hành luật khác nhau thì CSGT bảo: “Ông đi mà kiện mấy người đặt biển đó”.

Trên xa lộ Hà Nội, các biển báo tốc độ cứ “nhún nhảy” theo từng đoạn (thay đổi liên tục từ 50, 60, 80 rồi lại hạ xuống 50 km/giờ) cũng khiến các bác tài đau đầu. Theo Sở GTVT, quy định như thế nhằm phát huy tốc độ chạy xe trên từng đoạn dài, ngắn có qua trạm thu phí, cầu hoặc ngã ba, ngã tư. Nhưng theo giới tài xế, việc thay đổi tốc độ liên tục rất dễ khiến họ bị “dính” biên bản phạt, chưa kể tiềm ẩn nguy cơ bị xe phía sau húc phải do giảm tốc độ đột ngột.

Biển báo nhỏ, đặt chéo

Theo cánh tài xế ô tô, tại TP.HCM có nhiều tuyến đường rộng bốn, sáu, tám… làn xe nên việc sử dụng biển báo theo đúng quy chuẩn 41:2012 là quá nhỏ (biển báo tròn có đường kính 70 cm, biển báo tam giác thì mỗi cạnh dài 70 cm). Cạnh đó, việc đặt biển báo trên lề đường bên phải cũng không hợp lý bởi ô tô con đi ở làn ngoài cùng bên trái nên rất dễ bị các loại xe tải, xe khách, xe container đi ở làn giữa che khuất tầm nhìn. Vì thế tài xế ô tô con rất dễ bị phạm lỗi rẽ trái, quay đầu, đi sai làn đường… Đó là chưa kể nhiều biển báo ở các ngã ba, ngã tư bị đủ loại biển quảng cáo che khuất (ảnh 3).

Ngay chính cách đặt biển báo của ngành giao thông cũng gây rối mắt. Cụ thể, tại đầu các cầu vượt bằng thép có nhiều trụ treo biển báo được đặt gần nhau và trùng tâm nên nhìn giống như trên cùng một trụ có tới năm, sáu biển báo. Trong khi theo quy định trên một trụ chỉ được treo tối đa ba biển báo để người đi đường dễ quan sát, nhận biết, phân biệt (ảnh 4).

Biển báo giao thông gây ngơ ngác ảnh 4

Gần đây, ở một số đoạn trên quốc lộ 1 và quốc lộ 22, ngành giao thông cho phép các làn xe đi hỗn hợp và biển báo đặt bên trái trên dải phân cách giữa hai chiều đường. Cách làm này lại nảy phát sinh chuyện xe con đi bên phải khó nhìn biển báo chéo bên trái vì bị xe to che khuất.

Theo Sở GTVT TP.HCM, cách khắc phục là dựng nhiều giá long môn hay cần vươn ra giữa đường. Có vậy tất cả tài xế các loại xe mới dễ dàng nhìn thấy biển báo từ xa. Nhưng giải pháp này tốn rất nhiều tiền và có khả năng mất mỹ quan đô thị, do đó ngành giao thông chưa áp dụng.

Chuẩn quốc tế và hồn Việt Nam

Theo Bộ GTVT, nhiều năm qua Việt Nam đang triển khai kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo - tín hiệu đường. Cụ thể, trên một số tuyến quốc lộ Xuyên Á đã cắm các biển báo AH (ASEAN Highway). Theo công ước, tới đây trên một số tuyến đường đối ngoại hoặc tuyến đi qua khu vực có nhiều người nước ngoài qua lại, sinh sống thì trên một số biển báo ngoài tiếng Việt phải có thêm tiếng quốc tế. Như biển báo “Chậm lại” phải có thêm chữ “Slow down”.

Tại TP.HCM đến nay chỉ có tuyến đường duy nhất có gắn biển báo tên đường, cầu có song ngữ là đường Nguyễn Văn Linh. Nhưng cách chuyển ngữ các danh từ riêng đang gây nhiều tranh luận. Như trên bảng tên cầu Ông Lớn, cầu Bà Lớn có dòng tiếng Anh bên dưới là Ong Lon Bridge, Ba Lon Bridge. Theo các nhà ngôn ngữ, dù dùng song ngữ nhưng danh từ riêng tiếng Việt thì vẫn phải giữ nguyên dấu nếu không sẽ gây suy diễn không hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm