Bị xử lý vì ‘không đóng cửa bảo nhau’

Đó là thực trạng được đại biểu (ĐB) Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu ra tại phiên thảo luận hội trường chiều 23-11 về dự án Luật Tố cáo sửa đổi.

“Có công chức, viên chức là người tố cáo phải xin chuyển công tác, người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng” - ông Diến nói.

Điểm mấu chốt: Bảo vệ danh tính người tố cáo

Một trong những bất cập của giải quyết tố cáo hiện nay được nhiều ĐB Quốc hội (QH) nhắc đến nhiều là tình trạng người tố cáo không được bảo vệ, bị trù dập, đe dọa sau khi đứng ra tố cáo, thậm chí gia đình cũng bị ảnh hưởng theo.

ĐB Mai Sỹ Diến dẫn chứng: Có công chức, viên chức tố cáo đúng nhưng phải kiểm điểm, xử lý, áp hình thức tăng nặng với lý do biết nội dung vi phạm nhưng trong sinh hoạt hằng tháng không phê bình người cùng cơ quan để biết sửa chữa, ngăn chặn. Có tổ chức lợi dụng quy định này để xử lý người tố cáo là công chức, viên chức triệt để vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng”, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, “không đóng cửa bảo nhau”, làm ảnh hưởng đến cơ quan, làm tốn tiền công quỹ vì phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra”.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh bảo vệ danh tính của người tố cáo là điểm mấu chốt nhất để bảo vệ người tố cáo. “Tôi cho rằng khiếu nại khác tố cáo. Khiếu nại thì cần phải xưng danh vì liên quan đến lợi ích của người khiếu nại nhưng tố cáo thì không cần như thế. Ở đây phải trọng hành vi chứ không phải chủ thể. Việc có chủ thể rõ ràng hay không rõ ràng vẫn phải giải quyết tố cáo. Ví dụ tài liệu, chứng cứ đầy đủ nhưng không có đơn thì vẫn phải được giải quyết” - ĐB Nhưỡng nói.

Về bảo vệ người tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng và là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống. Hiện nay, BLTTHS đã quy định về trách nhiệm của cơ quan công an và cơ quan khác trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của người tố giác, tố cáo, người làm chứng trong vụ án hình sự. Riêng đối với Luật Tố cáo thì cần tập trung bảo vệ tốt người tố cáo và những nội dung cần bảo vệ trong điều kiện và khả năng cho phép như bảo vệ bí mật thông tin, vị trí việc làm, thu nhập...

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, có công chức, viên chức tố cáo đúng nhưng bị kiểm điểm, xử lý vì tội “vạch áo cho người xem lưng”. Ảnh: TRỌNG PHÚ

“Các ý kiến của ĐBQH về bảo vệ người tố cáo đều có cơ sở và có căn cứ, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của QH nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp, đặc biệt là trong việc xác định trách nhiệm chính và trách nhiệm phối hợp của từng cơ quan trong bảo vệ người tố cáo, quy định các biện pháp bảo vệ cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi” - ông Khái nói.

Phải ngăn “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Cho ý kiến về dự luật, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nêu thực trạng đáng buồn là nhiều cán bộ sắp nghỉ hưu hiện nay đã không vượt qua sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. “Chính vì thế báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng như “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng” để thể hiện thực trạng đáng buồn đó. Tại sao thực tiễn có vấn đề mà pháp luật không điều chỉnh?” - ông đặt câu hỏi.

Ông Cầu phân tích: Quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng chỉ rõ người có hành vi tham nhũng khi đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện. Hiện luật này đang được sửa đổi và nguyên tắc này vẫn được xác lập. Mặt khác, vừa qua Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm một số trường hợp cán bộ về hưu hoặc chuyển công tác về hành vi lúc tại nhiệm đã có tác dụng răn đe lớn, được nhân dân ủng hộ. Theo đó, ông Cầu nhấn mạnh “đây là những căn cứ rất thuyết phục” để đưa đối tượng quan chức về hưu vào diện giải quyết của Luật Tố cáo sửa đổi.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. “Mặc dù Luật Công chức, viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu nhưng nếu không quy định sẽ bỏ sót vi phạm, dễ dẫn đến “hạ cánh là an toàn”” - ông nói.

Giải trình về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian công tác trước đây nhưng nay đã nghỉ hưu”.

Theo ông Khái, dự thảo luật không quy định cụ thể việc này mà quy định một cách khái quát về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ về hưu, bị buộc thôi việc hoặc chuyển công tác khác (khoản 4 Điều 12 dự luật). Quy định như vậy bảo đảm tính toàn diện, không chỉ xử người về hưu mà cả các trường hợp khác nữa.

Tố cáo điện tử: Cân nhắc kỹ lưỡng

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị phải áp dụng hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại. ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có những quy định thông điệp điện tử có giá trị như văn bản và nghiêm cấm các hành vi cản trở giao dịch điện tử. “QH khóa XI, 12 năm trước đã ban hành dự luật với những quy định tiến bộ như vậy mặc dù lúc đó chưa có cách mạng 4.0. Nếu giờ chúng ta không công nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử thì là bước lùi lịch sử” - ĐB Thành nói.

Giải trình vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo và đảm bảo tính khả thi vì dự luật phải vừa đảm bảo thuận lợi cho công dân tố cáo nhưng cũng hạn chế việc lạm dụng để gây rối.

“Ví dụ, tố cáo qua điện thoại tràn lan sẽ gây khó khăn trong quá trình xác minh cũng như xử lý người tố cáo sai sự thật, có thể là kẽ hở bị lợi dụng gây mất ổn định trật tự an ninhxã hội. Ngoài ra, việc tố cáo cán bộ, công chức là vấn đề cần được tiếp nhận, xử lý chặt chẽ. Do đó, việc mở rộng hình thức cả thư điện tử, fax, điện thoại là khó khả thi. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, các ĐB có nhiều ý kiến đề nghị mở rộng nên cơ quan soạn thảo sẽ kết hợp với cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ” - ông Khái nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm