Bí thư TP.HCM: Hạn chế tối đa bệnh nhân COVID-19 tử vong do bệnh nền

Chiều 14-7, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Tại buổi gặp, có 13 ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí tại TP.HCM chia sẻ những băn khoăn, đồng thời hiến kế nhiều vấn đề nhằm góp phần cùng lãnh đạo TP làm tốt hơn công tác truyền thông hiệu quả trong phòng chống dịch.

Liên quan đến điều trị F0, F1 tại nhà, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông (Bộ Y tế) Vũ Mạnh Cường, cho rằng cần phải hiểu rõ về chuyên môn gọi là “rút ngắn thời gian điều trị F0”, chứ không phải cách ly F0 tại nhà.

Theo ông, hiện có khoảng 70% đến 80% F0 không có triệu chứng, 3% trong số các F0 có diễn biến nặng và 30% trong 3% sẽ diễn biến rất nặng. Bộ Y tế vẫn khuyến cáo, yêu cầu tất cả các F0 vẫn phải được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ngày thứ 10 trở đi mới cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu có chỉ số virus thấp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM

Ghi nhận các ý kiến chia sẻ tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng chủng Delta với mức lây lan rất nhanh đang là thách thức rất lớn với các nhà khoa học, y học trong và ngoài nước.

Theo ông, trong phòng chống dịch, TP.HCM luôn tuân thủ gần như tuyệt đối nguyên tắc của các thầy thuốc đưa ra, làm đúng hướng dẫn ngành y dựa trên tác hại của biến chủng.

Trao đổi về vấn đề rút ngắn thời gian điều trị F0, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định trước bất cứ quyết định nào, ngành y tế cũng cần thời gian nghiên cứu, đánh giá, đủ cơ sở khoa học thực tiễn mới đưa ra dự báo, hướng dẫn. Ông nhận định đây là chiến lược mới, phù hợp với tình hình dịch ở TP.HCM.

Bí thư Thành ủy cho rằng trọng tâm của thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP đó là giãn cách, cách ly và phong tỏa một số vùng trên địa bàn TP. Từ đó, truy vết, xét nghiệm và tầm soát số người bị lây nhiễm, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Đối với công tác điều trị, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết, ngành y tế TP đã tập trung được nguồn lực, nhân lực, phương tiện, thiết bị cần và đủ để đảm bảo chăm sóc sức khỏe, hồi sức cấp cứu cho các trường hợp mắc bệnh. Mục tiêu lớn nhất là hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

“Muốn như thế thì phải lo từ xa, lo nâng cao thể trạng để đủ sức đề kháng, phải chăm sóc từ lúc đầu. Một người vượt qua được bệnh tật thì phải có nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu chăm sóc” – ông Nên nói mà cho biết TP cố gắng khắc phục tối đa tử vong do bệnh nền, phải cố gắng điều trị cả bệnh nền cho bệnh nhân. Chúng ta không thiếu tiền, thuốc, nhưng phải lo khâu này bằng cả trách nhiệm và lương tâm.

"Chúng ta nói phần lớn ca tử vong do bệnh nền, nhưng chúng ta không lo bệnh nền cho người dân khi bị nhiễm COVID-19 là trách nhiệm của chúng ta" - ông Nên nói.

Tương tự với các trường hợp F1 cũng phải có kế hoạch chăm sóc chu đáo để họ có thể vượt qua. Rút ngắn và nâng cao thể trạng mới có kết quả.

Về thực hiện Chỉ thị 16, ông Nguyễn Văn Nên cho biết ngoài những việc phải làm thì xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội. Đó là tình huống xuất hiện trong xã hội: ăn ở, sinh hoạt, đi lại của người dân, nhất là nhóm người bị bệnh.

Đối với lực lượng y tế, có nơi quá sức, có nơi quá lực và nguồn lực trang thiết bị, có nơi bổ sung chưa kịp. Do vậy, ông đề nghị cần quan tâm hơn đến đời sống các đội ngũ y tế, có kế hoạch hỗ trợ thêm cho những người yếu thế, khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn.

Về công tác truyền thông, ông Nguyễn Văn Nên nhận định vẫn còn hạn chế. Do vậy, cần tổ chức lại những khâu cung cấp thông tin, chủ động phân phối thông tin thành một mặt trận, phân công họp báo, thời lượng ra sao một cách cụ thể.

Các cơ quan báo chí cần chú ý xác định đối tượng truyền thông, nhắm đến đối tượng lao động tự do, chiến sĩ tuyến đầu… có trọng tâm, đúng đối tượng. Phải có chương trình, thông điệp để truyền tải đến người dân. Tiếp tục tăng tần suất họp báo lên làm sao thông tin đủ “đậm” đưa đến người dân về công tác phòng chống dịch. Làm sao phải bớt thông tin nhiễu và phải kiên quyết xử lý thông tin sai sự thật.

Cùng với đó, phải cần truyền thông về sự chung tay đóng góp của các tầng lớp nhân dân, những nghĩa cử cao đẹp; ghi lại việc làm, hình ảnh những tấm gương ấy để lan tỏa. Báo chí cũng nên quan tâm đến hoạt động sự giúp đỡ của các tỉnh thành bạn, những bữa cơm từ thiện, hàng quán hàng ăn; các hội từ thiện.

Ông cho rằng, đó là những điều rất đáng trân quý, là nguồn năng lượng thể hiện TP.HCM nghĩa tình, TP.HCM sẻ chia để góp phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết khu cách ly, phong tỏa phát hiện ngày càng nhiều ca nhiễm; số ca có triệu chứng nặng, phải điều trị hồi sức cũng tăng lên. Ông nhận định điều này phù hợp với quy luật dịch bệnh trên thế giới, khi tổng số ca tăng thì số ca tiên lượng nặng, phải điều trị hồi sức cũng tăng nhiều.

Về số ca tử vong, ông Mãi cho biết 5 ngày trước, TP ghi nhận 49 trường hợp, nhưng đến 13-7, đã tăng lên 119 ca. “Chúng ta thấy tổng số ca tăng, số ca nhiễm và tử vong cũng tăng. Số liệu này cho thấy tốc độ tăng ở tất cả con số mà chúng ta đo lường mỗi lúc càng nhanh” – ông Mãi nói.

Do vậy, ông Mãi cho biết TP đang tập trung vào 5 tuyến công việc trụ cột, gồm: giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; xét nghiệm, tầm soát nhanh, tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn nguồn lây lan; cách ly F1 và thu dung, điều trị F0; công tác điều trị với tổng cộng 24 bệnh viện dã chiến, đã hoàn thành 19 cơ sở và đang hoàn thiện 5 bệnh viện nữa, tổng quy mô là 45.000 giường. 

Riêng về tiêm vaccine, ông Mãi cho biết TP đánh giá đây là giải pháp rất quan trọng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dự kiến, đợt tiêm vaccine thứ 5 bắt đầu từ 18-7, hoàn thành tiêm 1,1 triệu liều vaccine trong 2 tuần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm