Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: Sẽ xử lý nghiêm vụ phá rừng Nam Kar!

Nếu như có vi phạm thì phải xử lý về mặt trách nhiệm chứ không thể để câu chuyện tàn phá rừng như thế, không thể để nó tiếp tục tái diễn. Ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh như trên khi trao đổi với PLO về việc rừng đặc dụng Nam Kar (Krông Ana, Đắk Lắk) bị phá một cách nghiêm trọng. 

Ông Cường nói rất hoan nghênh báo chí đã có những phản ánh kịp thời vụ rừng bị phá và trong thời gian tới tỉnh sẽ họp và kiểm tra, đánh giá và có chỉ đạo quyết liệt hơn.

"Công xưởng" trong rừng đặc dụng Nam Kar. Ảnh H.TRƯỜNG

“Tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra. Đã đến lúc chúng ta phải cương quyết, tập trung hơn nữa và phải có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa, gắn với trách nhiệm của lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Nếu anh để xảy ra như vậy (phá rừng-PV), cũng không có đề xuất gì để quản lý bảo vệ rừng, vẫn để ra tình trạng rừng bị tàn phá thì trách nhiệm cá nhân phải bị xử lý. Thậm chí có dấu hiệu hình sự, cũng phải xử lý hình sự” - ông Cường nói.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng cho hay đang yêu cầu lập ban chỉ đạo về rừng, đồng thời yêu cầu làm nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về bảo vệ rừng nhất là Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Theo ông, vấn đề quản lý bảo vệ rừng là hết sức quan trọng. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng thuộc diện bảo tồn thì phải giữ một cách nghiêm ngặt.

Vụ phá rừng Nam Kar là nghiêm trọng. Ảnh H.TRƯỜNG

“Chúng tôi chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt nhiệm vụ, không dung túng, bao che, bảo kê  để cho lâm tặc phá rừng.

Kiểm lâm phải thực hiện nghiêm việc này, vi phạm thì phải bị xử lý. Anh ở đó mà để xảy ra phá rừng thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể cứ nói không không được” - ông Cường nói.

Cơ quan chức năng xác nhận có phá rừng va đang tiến hành làm rõ. Ảnh H.TRƯỜNG

Về việc quản lý rừng, ông Cường cho biết đang nghiên cứu chuyện Đắk Lắk phải có cả máy bay để kiểm tra rừng. "Ít ra phải có thiết bị bay không người lái như flycam chẳng hạn để anh em đứng ở xa có thể quan sát được được rừng".

Khi PV đặt câu hỏi, để xảy ra phá rừng lâu như vậy liệu có sự bao che của chủ rừng để lâm tặc phá rừng hay không? Ông Cường cho hay phải xem xét cụ thể, xem trách nhiệm của tập thể thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, cũng cần xem xét về phương tiện, lực lượng có đủ đảm bảo cho lực lượng đảm bảo nhiệm vụ giữ rừng chưa. Ông sẽ chỉ đạo điều tra, báo cáo và có chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

Lãnh đạo Đắk Lắk cho biết sẽ chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ việc mà PV nêu. Ảnh H.TRƯỜNG

Thông tin mà chúng tôi có được, hiện nay các lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trường vụ phá rừng đặc dụng Nam Kar (do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar) quản lý.

Trước đó, trong ngày 26-11, ngay sau khi PV phản ánh vụ việc với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana, đơn vị này đã khẩn trương kiểm tra hiện trường và xác nhận vụ phá rừng là nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc vệ chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar.

Sau khi nhận báo cáo từ Hạt Kiểm lâm, Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xác minh hiện trường, đồng thời làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

Hàng loạt cây gỗ bị đốn hạ trong rừng đặc dụng. Ảnh H.TRƯỜNG

Điều đáng nói, trong khi PV phát hiện hàng loạt các cây gỗ lớn bị đốn hạ, nhiều phách gỗ có đường kính đến 1,5m được cắt xẻ ngang nhiên trong rừng, nhưng khi hỏi thì chủ rừng nói chưa phát hiện được và sẽ cho kiểm tra.

Được biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có diện tích 20.932,3 ha, nằm trên địa sáu xã thuộc hai huyện Lắk và Krông Ana.

 

Đã từng kỷ luật 4 kiểm lâm để xảy ra phá rừng.

Trước đó, trong tháng 6-2018, cơ quan chức năng phát hiện hơn 10 ha rừng tại tiểu khu 1023 thuộc rừng đặc dụng Nam Kar bị cạo trọc, đốt trụi, lấn chiếm làm nương rẫy. Nhiều cây gỗ có đường kính 40-60cm bị chặt phá, đốt.

Đến ngày 5-6, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar đã ra quyết định kỷ luật đối với bốn cán bộ kiểm lâm trực thuộc để xảy ra mất rừng.

Theo đó, bốn cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ phá rừng gồm các ông: Phan Bá Dũng, Phụ trách Trạm kiểm lâm số 8 bị kỷ luật cảnh cáo; Lê Đình Tứ, Trạm phó bị kỷ luật cách chức; 2 nhân viên trạm là Trần Trung Phong và Chu Mạnh Ngọc cùng chịu hình thức kỷ luật khiển trách.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar cũng tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát đối với tập thể Ban Lãnh đạo; tăng cường tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng; tổ chức chốt chặn những đường mòn vào rừng, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào rừng; ngăn chặn việc đưa các phương tiện cơ giới vào rừng, xử lý nghiêm các vụ xâm hại về rừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm