Bí thư Thăng: Lợi ích địa phương cản trở liên kết vùng

Tại hội nghị, ông Đinh La Thăng cho rằng vùng trọng điểm kinh tế phía Nam mà hạt nhân là TP.HCM hội đủ các điều kiện, lợi thế để phát triển dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như TP.HCM.

“Hiện nay hệ thống quản lý đô thị liên kết vùng chưa theo kịp, cơ chế liên kết vùng còn hạn chế, nguồn lực còn phân tán. Chúng ta cứ nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành, giải pháp cũng chưa phù hợp dẫn đến phân tán, tản mạn theo từng địa phương và theo từng lợi ích của từng địa phương. Lãnh đạo các địa phương phải đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông tốt hơn, sớm hơn. Nhưng quan trọng là dự án phải đặt lợi ích vùng lên trên hết” - ông Thăng nói.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng lợi ích địa phương đã cản trở liên kết vùng. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Thăng, TP.HCM với vai trò điều hành đang rất quyết liệt bàn với các tỉnh về giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để kiến nghị với trung ương và đánh giá những tồn tại, bất cập thời gian qua nhằm đề ra các giải pháp trong thời gian tới.

“Phải xác định liên kết giao thông lợi ích giữa các vùng chứ không phải hai tỉnh địa phương gần nhau. Làm sao để sau cuộc họp này, có được những dự án triển khai như TP.HCM sẽ triển khai ngay cao tốc Mộc Bài - Tây Ninh hoặc nối với Bình Dương mở rộng quốc lộ 13, nối với Tiền Giang mở rộng quốc lộ 50. Ngoài giải pháp tổng thể ra thì tập trung các giải pháp cụ thể, có những sáng kiến” - ông Thăng đề nghị.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá: Khách quan mà nói thì các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm so với quy hoạch. “Tiêu biểu là đường vành đai 3, vành đai 4 ở khu vực TP.HCM. Điều này gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa của các tỉnh ra khu vực cảng, đẩy chi phí vận tải lên cao. Hay như đầu tư cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhưng giao thông kết nối cảng còn nhiều hạn chế nên không thể khai thép hiệu quả cụm cảng này” - ông Đông nói.

Thứ trưởng Đông cho rằng điểm mấu chốt là phải tìm ra điểm nghẽn của kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực. Như việc nâng cao tĩnh không các cầu để khai thác giao thông thủy, hỗ trợ cho giao thông đường bộ là hết sức quan trọng. Đa dạng hóa phương thức vận chuyển, phát triển tốt logistic.

Ông Đông cho rằng khó khăn nhất đối với phát triển hạ tầng giao thông chính là nguồn lực và công tác tổ chức phối hợp thực hiện. Đối với các dự án giao thông thì vốn ngân sách nhà nước là chủ đạo, bên cạnh đó phải huy động vốn tư nhân. Để huy động nguồn vốn xã hội thì Chính phủ can thiệp về cơ chế, chính sách và cùng tham gia một phần để việc triển khai mạnh mẽ hơn. Bên cạnh nguồn vốn, các địa phương phải phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thì mới có thể triển khai nhanh dự án và mang lại hiệu quả đầu tư cao.

Đồng quan điểm, ông Đinh La Thăng cho rằng các địa phương phải rà soát, cập nhật và bổ sung các quy hoạch đầu tư giao thông trên địa bàn. Phải có nhiều cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư như hình thức PPP (đối tác công tư), BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao)… Trên cơ sở lợi ích vùng, các địa phương cũng phải thống nhất phương án đầu tư, thu hút vốn và ưu tiên dự án nào triển khai trước.

“Hiện nay chờ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA thì rất mất thời gian. Nếu không tiếp tục huy động nguồn lực tại chỗ, vốn xã hội thì rất khó phát triển hạ tầng giao thông cho vùng. Để chống tham nhũng, lãng phí cũng như ùn tắc giao thông, các dự án BOT phải thu phí tự động và công khai, minh bạch…” - Bí thư Thăng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm